Ngày 15/8/2012, tại Đồng Tháp đã diễn ra Hội nghị Tổng kết mô hình thí điểm về tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp với sự tham dự của “4 nhà”: Chính quyền, doanh nghiệp, nhà nông và các nhà khoa học. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì.



Khảo sát thực tế tại Đồng Tháp cho thấy, việc áp dụng mô hình thí điểm về tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể tại huyện Thanh Bình, cây ớt là mô hình thí điểm thành công bởi giá trị thương mại ngày càng được nâng cao ở thị trường trong và ngoài nước. Năm 2011, Thanh Bình có 900 ha trồng ớt, hiện nay đã tăng lên 1.300 ha. Năm 2012, Thanh Bình thực hiện mô hình sản xuất ớt cay an toàn thí điểm ở 10 ha với 34 hộ dân tham gia, đem lại lợi nhuận hơn 12,6 triệu đồng/ha so với canh tác trước đây. Nông dân Trần Văn Nam cho biết, trước đây ớt nhiều nhưng không biết bán cho ai, giá cả bấp bênh và thường xuyên bị tư thương ép giá thấp. Từ khi có dự án tiêu thụ nông sản của Bộ Công Thương áp dụng được thì giá trị của trái ớt Thanh Bình được nâng lên rõ rệt.


Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đánh giá, 2 mô hình ở Đồng Tháp đã đạt được 3 yếu tố: tạo cơ chế gần gũi giữa DN với nông dân, nhận được sự đồng thuận của các sở, ban ngành cùng vào cuộc và sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương; việc thay đổi chủ thể (là DN) đã làm cho giá trị nông sản tăng lên từ 5 đến 10%; người nông dân được học tập kỹ thuật, tham quan học hỏi ở nhiều nơi. Mặt khác, DN có sản phẩm chất lượng, sản lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường và được chính quyền hỗ trợ về truyền thông, quảng bá thương hiệu.

Hiệu quả từ mối liên kết hợp tác này có vai trò của doanh nghiệp (DN) trong khâu thu mua, chế biến, cung ứng vật tư nông nghiệp. DN tư nhân Dũng Ớt liên kết với nông dân bao tiêu sản phẩm cho 200 ha ớt (với sản lượng khoảng 5.000 tấn) và hỗ trợ chi phí ban đầu cho nông dân là 1 triệu/ha chi phí giống và công xuống giống. Ông Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc công ty - chia sẻ, việc liên kết với nông dân và tư nhân đem lại sự yên tâm về giống, đầu ra, thị trường tiêu thụ.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại thông tin: Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây mua hàng Trung Quốc, nay đã chuyển sang Việt Nam. Tuy nhiên, hàng ở Việt Nam chưa ổn định, giá còn cao, chưa xây dựng được chuỗi thương hiệu để quảng bá ra thế giới. Chính vì vậy, việc liên kết này sẽ tạo sự ổn định về chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Mô hình thành công thứ 2 là Công ty TNHH XNK-TM Võ Thị Thu Hà hợp đồng với 2 hợp tác xã Tân Tiến và Phú Bình, huyện Tam Nông thu mua hơn 3.000 tấn lúa. Thu Hà mua lúa của xã viên vào thời điểm thu hoạch vụ hè thu vừa rồi là 5.300 đồng/kg, giá thị trường là 5.100 đồng/kg. Để đảm bảo quyền lợi của người nông dân, ngoài trả trước cho nông dân 2 tỷ đồng trước khi thu hoạch, Thu Hà còn thanh toán gần 100 triệu đồng phí hỗ trợ cho hợp tác xã và tiền thưởng cho nông dân.


Hiện tại, Thu Hà có 6 nhà máy và kho chứa gạo, từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu gần 500 ngàn tấn gạo. Trong vụ thu đông năm 2012, Thu Hà sẽ tăng mức tiêu thụ lúa lên 900 ha và đầu tư vật tư nông nghiệp cho 2.000 ha hè thu năm 2013. Theo ông Đoàn Văn Hiền - Giám đốc công ty, mô hình liên kết thu mua nông sản vụ rồi giúp cho nông dân tăng thêm 200 đồng/kg lúa, loại được chi phí cho trung gian tư thương, còn DN chủ động được sản lượng, chất lượng lúa gạo và góp phần ổn định thị trường lúa gạo.

Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) cho rằng: “Nông dân thật sự hưởng lợi từ mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, các mối liên kết cần thực hiện chặt chẽ hơn nữa giữa DN và nông dân. Các tổ chức hội nông dân cần đẩy mạnh tuyên truyền để người nông dân hiểu về lợi ích của việc liên kết trong tiêu thụ nông sản”.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Son - Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long - đánh giá, việc liên kết giữa nông dân và DN hiện nay đang chuyển từ làm ăn “hên xui” sang làm ăn chắc chắn hơn. Phát huy vai trò của kinh tế tập thể, thay đổi hành vi giữa DN và nông dân chuyển sang làm ăn theo kinh tế thị trường. Để mối liên kết gắn chặt, DN nên tăng cường liên kết với hợp tác xã ở khâu đầu vào như phân bón, vật tư nông nghiệp; nhà nước có chính sách hỗ trợ để nông dân tiếp cần nguồn vốn; các nhà khoa học tăng cường tư vấn trong chuỗi liên kết để tạo “chất keo” kết dính giữa các chủ thể trong mô hình.

Được biết mô hình trên đã được áp dụng tại 12 tỉnh, thành phố. Bộ Công Thương ủng hộ vấn đề nhân rộng mô hình, làm tăng thêm giá trị cho nông sản.

 

Báo Công Thương