Tại hội nghị, Cục Công nghiệp địa phương cho biết, đến hết tháng 8 này, kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam 16,74 tỷ đồng, chiếm 26,75% kinh phí khuyến công quốc gia cả nước và chiếm 33,91% tổng kinh phí khuyến công toàn vùng. Bên cạnh đó, đã có 19/21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phê duyệt kinh phí khuyến công địa phương với tổng kinh phí 32,61 tỷ đồng, tăng 36,67% mức thực hiện năm trước và chiếm 26,93% tổng kinh phí khuyến công địa phương cả nước.
Với nguồn kinh phí khuyến công, các địa phương phía Nam đã đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho 7.872 lao động nông thôn; đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự cho 1.023 người; xây dựng 15 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong nước, xây dựng thương hiệu, lập quy hoạch chi tiết cho 4 cụm công nghiệp; tư vấn phát triển công nghiệp cho 334 dự án....Ngoài ra, hoạt động khuyến công còn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho hơn 200 dự án đầu tư ở các tỉnh, hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh có thu hồi, hỗ trợ cho các dự án phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.
Nhờ hoạt động khuyến công ngày càng được quan tâm và từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp dân doanh của các tỉnh chiếm 36,59% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tăng 17,1% so cùng kỳ (cao hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp 14,3%), thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá; tạo việc làm - tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn.
Để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khuyến công của các tỉnh, thành phía Nam trong những tháng cuối năm, theo Cục Công nghiệp địa phương các tỉnh cần tập trung đẩy mạnh xây dựng, hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công tại địa phương, đặc biệt là xây dựng chương trình khuyến công địa phương đến năm 2015; Quy chế về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công địa phương; hoàn thiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP sửa đổi trình Chính phủ ban hành trong năm 2011 cho phù hợp với tình hình mới.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đảm bảo hoàn thành đề án khuyến công đúng tiến độ. Đồng thời tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.
Mặt khác, Cục Công nghiệp địa phương cũng yêu cầu các tỉnh quan tâm tạo điều kiện để hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp trên địa bàn ngày càng phát huy được lợi thế và là điểm tựa để đưa hoạt động khuyến công đến được với nhu cầu của mọi đối tượng cần được hỗ trợ./.
Mai Phương, TTXVN