Ngày 28/8/2012, tại TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã diễn ra Hội nghị giao ban Giám đốc Sở Công Thương 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ nhất nhằm đánh giá hoạt động CN-TM trong vùng thời gian qua và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - Hoàng Xuân Nguyên chủ trì Hội nghị.

Theo Báo cáo tổng hợp, trong 7 tháng đầu năm, chỉ số SXCN vùng trung du và miền núi phía Bắc tăng 10,02%, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt trên 2.197 triệu USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 387.097 tỷ đồng. Mặc dù tình hình kinh tế trong nước cũng như các nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn nhưng 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc công nghiệp – thương mại vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng và có sự phát triển.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo các Sở Công Thương, 7 tháng đầu năm, tình hình hoạt động của DN trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ thu hẹp, hàng tồn kho nhiều (đặc biệt là các loại khoáng sản), sức mua yếu, nhiều DN thiếu vốn đầu tư sản xuất, giá cả hàng hóa biến động tăng, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, điện, than… Bên cạnh đó còn tồn tại nhiều bất cập như: DN khó tiếp cận nguồn vốn, cung ứng điện phục vụ sản xuất không ổn định, chương trình xúc tiến thương mại chưa hiệu quả..., làm ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả sản xuất kinh doanh của DN.

Vấn đề về vốn, mặc dù thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng DN vẫn rất khó tiếp cận với vốn vay. Theo Ông Vũ Mai Hồ - Giám đốc Sở Công Thương Hòa Bình “98% DN phản ánh không tiếp cận được vốn”. Ông Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cũng phản ánh: Ngân hàng định giá tài sản rất thấp, chẳng hạn: Tài sản của DN có giá trị 5 tỷ đồng, nhưng ngân hàng thẩm định chỉ trên dưới 2 tỷ đồng, sau đó chỉ cho DN vay 50% giá trị thẩm định. Chính vì vậy khả năng vay được vốn, nhất là các DN vừa và nhỏ, rất hạn hẹp...

Một trong những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của DN đó là tình trạng cung ứng điện không ổn định. Giám đốc các sở Công Thương đều cho rằng, việc đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ cho truyền tải chậm làm ảnh hưởng tới tiến độ các dự án nhà máy thủy điện; đồng thời do giá thuế tài nguyên nước đối với giá bán điện bình quân áp dụng cho các nhà máy thủy điện là quá cao khiến việc phát điện của các nhà máy thủy điện bị lỗ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng cung cấp ổn định nguồn điện kém…

Đề xuất tháo gỡ khó khăn, các ý kiến đều cho rằng, vấn đề trước mắt là giải phóng hàng tồn kho, trong đó nhiều nhất là mặt hàng khoáng sản. Ông Bùi Khắc Hiền – Phó giám đốc Sở Công Thương Lào Cai - kiến nghị, Chính phủ cần xem xét cho xuất khẩu tinh quặng và một số loại khoáng sản khác, nếu không các DN trong lĩnh vực này khó khăn càng chồng chất. Ông Đinh Khắc Hiển - Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên đề xuất thêm việc gia hạn thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng than cốc về mức 0%, nhằm giảm bớt áp lực cho các DN khai thác trên địa bàn. Đại diện Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu đá khối nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho quá lớn hiện nay.

Ngoài ra các giải pháp như triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, đưa hàng về nông thôn, triển lãm giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng… được các lãnh đạo Sở Công Thương thống nhất đề xuất, bởi đây là cơ hội để DN trên địa bàn gặp gỡ giao thương với các đối tác, tìm hiểu thị hiếu khách hàng…; từ đó mới tiến tới hiệu chỉnh chiến lược, đổi mới quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng hàng hóa, phát triển xuất khẩu.

Tổng hợp các ý kiến Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá, các vấn đề bức xúc của các địa phương là những vấn đề “kinh niên”, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Tuy nhiên, nhiệm vụ cần thiết thực hiện ngay của các địa phương là phải vào cuộc giải quyết từng vấn đề cụ thể đã nêu trong Chỉ thị 13 của Bộ Công Thương. Trong đó, rà soát thống kê lại lượng hàng hóa tồn kho trên địa bàn, đặc biệt là khoáng sản, để có cơ sở kiến nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất cơ chế tháo gỡ. Tuy nhiên, các địa phương cũng phải tự tìm cách khắc phục các khó khăn của mình. Đối với những vấn đề thuộc ngành Công Thương, Bộ sẽ chỉ đạo các Cục, Vụ tập hợp ý kiến, nhanh chóng triển khai, khắc phục để DN ổn định sản xuất. Những vấn đề thuộc các ngành khác, Bộ sẽ có văn bản kiến nghị để cùng tìm biện pháp tháo gỡ nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất thúc đẩy sự phát triển trở lại của doanh nghiệp.


AIP.