Hoạt động xuất khẩu của các địa phương trên cả nước trong năm 2013 đã đạt được kết quả đáng kể. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cả nước đạt 132,13 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012.


Khoảng 30% trong tổng số địa phương trên cả nước - tương ứng với 19 tỉnh, thành phố đã đạt được mức kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên trong năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các địa phương này đạt 115,8 tỷ USD, chiếm 87,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

3 khu vực có nhiều địa phương “xuất khẩu tỷ USD” nhất trong cả nước là khu vực Đông Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Đối với khu vực Đông Nam Bộ, đứng đầu về xuất khẩu của khu vực này nói riêng cũng như cả nước nói chung là Thành phố Hồ Chí Minh với kim ngạch năm 2013 đạt 29,5 tỷ USD, giảm 3,0% so với năm 2012. Đây cũng là địa phương đứng đầu cả nước về nhập khẩu hàng hóa (khoảng 28,6 tỷ USD).

Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, 4 địa phương khác thuộc khu vực Đông Nam Bộ cũng nằm trong danh sách này, cụ thể là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh. Bình Dương và Đồng Nai lần lượt xếp hạng 3 và 4 về xuất khẩu năm 2013 với kim ngạch tương ứng là 14,8 tỷ USD và 10,9 tỷ USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại của hai địa phương này hoàn toàn trái ngược với nhau, trong khi Bình Dương là địa phương xuất siêu khoảng 3,1 tỷ USD thì Đồng Nai lại là địa phương nhập siêu 94,9 triệu USD.

Bà Rịa - Vũng Tàu với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD cũng đã xếp hạng thứ 9 trong 64 tỉnh, thành phố về xuất khẩu. Trong năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một trong các địa phương nhập siêu của cả nước (khoảng 2,9 tỷ USD).

Địa phương “xuất khẩu tỷ USD” cuối cùng thuộc khu vực Đông Nam Bộ là Tây Ninh. Với mức tăng trưởng xuất khẩu là 11,4% so với năm 2012, Tây Ninh đã xuất siêu khoảng 626,3 triệu USD trong năm 2013 và giữ vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng xuất khẩu cả nước.

Với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 43,4 tỷ USD (chiếm 32,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), 5 địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng là Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương đều thuộc danh sách “xuất khẩu tỷ USD”. Đứng đầu là Bắc Ninh với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 25,1 tỷ USD, tăng mạnh 78,2% so với năm 2012. Mức tăng trưởng đáng kể này của tỉnh Bắc Ninh trong năm 2013 chủ yếu là do đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Tỉnh Bắc Ninh cũng là địa phương xuất siêu gần 3,5 tỷ USD trong năm 2013.

Với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,9 tỷ USD, Hà Nội đã giữ vị trí thứ 5 về xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên Hà Nội cũng là địa phương nhập khẩu nhiều thứ 2 của cả nước (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh) với kim ngạch nhập khẩu là 23,4 tỷ USD. Điều đáng chú ý là Hà Nội nhập khẩu nhiều so với xuất khẩu, dẫn đến việc trở thành địa phương nhập siêu lớn nhất cả nước trong năm qua. Cán cân thương mại hàng hóa của Hà Nội thâm hụt tới 13,5 tỷ USD, gấp gần 5 lần mức thâm hụt của địa phương nhập siêu đứng thứ 2 của cả nước là Bà Rịa - Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2013 nhập siêu 2,9 tỷ USD).

3 địa phương còn lại của khu vực này là Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đều đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu cao so với năm 2012, lần lượt là 11,1%, 26,0% và 37,8%. Với mức tăng trưởng cao như trên, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của các địa phương này đều đạt trên 1 tỷ USD.

Tuy số lượng địa phương “xuất khẩu tỷ USD” của khu vực đồng bằng sông Cửu Long bằng các khu vực khác nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm địa phương tại khu vực này chỉ vào khoảng 7,5 tỷ USD. Đứng đầu là Long An với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt gần 2,9 tỷ USD (tăng 18,8% so với năm 2012), tiếp theo là Cần Thơ đạt 1,3 tỷ USD (tăng 13,1%), Tiền Giang đạt 1,2 tỷ USD (tăng 27,3%), Cà Mau đạt 1,1 tỷ USD (tăng 21,8%), An Giang đạt 1,0 tỷ USD (giảm 4,9%).

Khu vực Đông Bắc bao gồm 2 địa phương là Quảng Ninh và Bắc Giang, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 1,9 tỷ USD và 1,6 tỷ USD tương ứng xếp thứ 10 và 13 về xuất khẩu trong cả nước. Khu vực Nam Trung Bộ cũng bao gồm 2 địa phương, cụ thể là Đà Nẵng và Khánh Hòa với kim ngạch xuất khẩu đều đạt 1,1 tỷ USD. Trong năm qua, chỉ còn khu vực Tây Nguyên không có địa phương nào đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên. Địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất ở khu vực này là Đắk Lắk đạt 982,7 triệu USD.

Trong năm 2014 và các năm sắp tới, khi các dự án FDI đi vào triển khai thực hiện, khi xuất khẩu nông, lâm, thủy sản gia tăng trở lại, khi các doanh nghiệp tận dụng một cách hiệu quả các lợi thế tăng trưởng, khi kinh tế thế giới phục hồi và khi Việt Nam ký FTA với châu Âu, gia nhập TPP... hy vọng danh sách doanh nghiệp “xuất khẩu tỷ USD” của Việt Nam sẽ được bổ sung thêm nhiều địa phương hơn nữa so với năm 2013.
 

nguồn: moit.gov.vn