Là một trong số các làng nghề gỗ mỹ nghệ khảm trai lớn nổi tiếng trong cả nước, làng nghề Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định mỗi năm đưa ra thị trường hàng vạn sản phẩm tinh xảo, đem lại nguồn thu quan trọng cho người lao động, đồng thời góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, người làm nghề ở đây cũng còn nhiều băn khoăn trăn trở, mong muốn ngành Công Thương, trung tâm Khuyến công cũng như các cấp, các ngành hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.


Được biết đến như các làng nghề chạm khắc Chuyên Ngọ ở Hà Nội, hay Đồng Kỵ - Bắc Ninh, làng nghề Hải Minh, huyện Hải Hậu từ lâu đời đã nổi tiếng với nghề gỗ mỹ nghệ khảm ốc. Là xã có nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và rất năng động với các nghề sản xuất đồ gỗ, khảm trai, may công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đã giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động. Nhưng đáng chú ý nhất là trong số đó có gần 2.400 lao động sản xuất đồ mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ.

 

Nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ có doanh thu cao, tạo việc làm cho nhiều lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong những năm gần đây đạt gần 80 tỷ đồng, chiếm 53% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của xã. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt tới 35 triệu đồng/năm, là một trong số các xã thu nhập bình quân đạt cao nhất trên toàn tỉnh Nam Định. Những lao động, mà phần lớn xuất thân từ nông thôn sau thời gian đi học, giờ đây đã có nơi để làm nghề. Tuy nhiên, đa phần là học theo cách truyền tay, chỉ việc.


Em Nguyễn Minh Thảo, Xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định cho biết: Em làm ở đây học chuyền tay một năm rồi, giờ làm được một số sản phẩm khá tốt, nhưng muốn được đào tạo thêm để làm và đưa ra sản phẩm tinh xảo hơn.


Bên cạnh đó, cái khó nhất của làng nghề gỗ khảm ốc mỹ nghệ ở đây là vấn đề vốn. Những sản phẩm đồ gỗ này sản phẩm rẻ nhất cũng vài triệu đến vài chục triệu, có sản phẩm lên tới hàng trăm triệu, nên vấn đề thị trường rất quan trọng.


Thực tế, việc tìm mua nguyên liệu trai, ốc để làm nghề ngày càng khó khăn. Vì ngày nay, nhiều địa phương trên cả nước vừa có thêm nhiều làng nghề mới nên càng sử dụng nhiều nguyên liệu. Vì vậy, nếu không sớm cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm thì không thể tồn tại được.


Chị Nguyễn Thị Sao, chủ cơ sở gỗ khảm ốc mỹ nghệ Quang Tám, Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định cho biết: Đề nghị các cấp, các ngành cho chúng tôi vay vốn ưu đãi vì mới lập nghiệp, vốn cho nghề này rất lớn, luân chuyển lại chậm. Giá ốc lên xuống bấp bênh trong khi hàng tồn khó thu được vốn. Đề nghị lập một cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu ốc ….


Theo những người thợ ở đây thì vật liệu ốc khảm rất đắt, có cân tới vài chục triệu đồng, mà một thành phẩm làm xong tốn rất nhiều ốc, vì thế nếu chậm tiêu thụ hàng hóa sẽ đọng vốn lớn. Bởi vậy người làm thợ ở đây rất mong ngành Công Thương, Trung tâm Khuyến công hỗ trợ về thị trường, giới thiệu sản phẩm để tiêu thụ nhanh, thì nghề mới phát triển được.


Xã Hải Minh vừa mới được công nhận là xã nông thôn mới trong năm nay, kinh tế đang phát triển. Các cơ sở sản xuất cả ở nhóm nghề nhỏ lẻ và cụm công nghiệp làng nghề đều có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn có những khâu sản xuất mà làng nghề không đủ điều kiện để tự bứt phá lên được. Do đó, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành luôn mang tính quyết định để phát triển bền vững.


Ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hải Hậu, Nam Định cho biết: Chúng tôi đang có chủ trương cùng với ngành tiểu thủ công nghiệp địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, trước mắt tập hợp các nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp, phát triển ngành nghề - vì đây là làng nghề ở nông thôn cho nên phải phát triển bền vững. Đó cũng là tiêu chí NTM….


Trong thời gian tới, cùng với  việc tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyển đổi sang làm màu, trồng cây cảnh, nuôi thủy sản ở vùng đất cấy lúa năng suất thấp, xã Hải Minh khuyến khích tạo điều kiện cho ngành nghề truyền thống phát triển, mở rộng nghề sản xuất đồ gỗ, đan bẹ chuối, dệt may… Để làng nghề hoạt động hiệu quả, huyện Hải Hậu sẽ cùng với các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh mở thêm nhà xưởng giới thiệu sản phẩm, đồng thời mở các lớp đào tạo nghề cho 200 - 300 lao động; phấn đấu, các ngành nghề thu hút tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Năm nay, xã làng nghề này phấn đấu đạt giá trị sản xuất CN-TTCN - dịch vụ đạt trên 306 tỷ đồng, chiếm gần 75% tỷtrọng cơ cấu kinh tế của xã./.

 

Cục CNĐP