Khảm xà cừ là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của đất An Nhơn (Bình Định). Trước đây, sản phẩm của làng nghề đã theo chân khách thương vào Nam, ra Bắc. Bẵng đi nhiều năm, làng nghề tưởng như lụn hẳn. Cho mãi đến năm 1995, khi có thị trường tiêu thụ, làng nghề mới gượng dậy được, nhưng cũng chỉ cầm chừng. Những ê-kíp thợ tài hoa, đã dần vắng bóng.


Những tủ, liễn… sản phẩm hôm nay của làng nghề, vẫn rất đẹp, tinh xảo nhưng dường như cái hồn của nghề xưa đã vợi đi chút ít. Chỉ còn một người đã bước vào tuổi 80 tuổi “bách thập niên giai lão” vẫn bám trụ để giữ nghề. Đó là nghệ nhân Trần Nhi. Bén duyên với nghề khảm từ năm 15 tuổi, bài học đầu tiên về nghề là yêu cầu phải có sự khéo léo, có khiếu thẩm mỹ và phải yêu nghề. Những kiến thức vỡ lòng đó đã đã giúp người nghệ nhân của đất An Nhơn trụ vững qua bao thăng trầm của làng nghề. Biết rằng nghề truyền thống đang ngày càng mai một, nhưng cụ Nhi vẫn gắng bám trụ để giữ cho được nghề truyền thồng của làng và mong muốn được truyền cho thế hệ sau. Và rồi, thời gian gần đây, làng nghề khảm xà cừ Cẩm Văn cũng đã dần hồi sinh và phát triển.

 

Hiện làng nghề có khoảng 10 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Giờ đây, tuy chân yếu, mắt mờ nhưng cụ Nhi vẫn say sưa với nghề và không ngừng đào tạo cho thế hệ sau vì "Không truyền lại nghề này thì lấy ai làm nghề, làm sao giữ được nghề truyền thống của ông cha". Cả 5 người con cụ Nhi nay đều theo nghề này.

 

Cũng như khảm xà cừ, thêu là nghề truyền thống của người dân làng Phương Danh, thị trấn Đập Đá, An Nhơn, Bình Định. Trải qua nhiều thăng trầm, có thời điểm, cả làng nghề với hơn 100 gia đình có nghề, nhưng nay vỏn vẹn chỉ còn 5 người giữ nghề. Đây là những nghệ nhân tâm huyết, giữ nghề không vì kế sinh nhai mà vì không muốn để những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề mất đi. Trong số rất ít nghệ nhân bám nghề ấy, có cụ Lê Công Trang, 72 tuổi, hàng ngày vẫn luôn gìn giữ “linh hồn” của làng nghề để các thế hệ con cháu nối tiếp. Cụ Trang thổ lộ: nghề thêu đòi hỏi người thợ trước hết phải có đức tính cẩn thận, tỷ mỉ, kiên nhẫn... Người thợ thêu có thể coi là nghệ sĩ - bằng những sợi chỉ mỏng manh đủ màu sắc, với những khuôn vải rộng, hẹp nhiều kích cỡ và đôi bàn tay khéo léo, bộ óc sáng tạo, người thợ thêu đã thả hồn vào chỉ, vào vải, tạo nên những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa mang tính dân tộc vừa hiện đại. “Nghề này kén người lắm, nếu không “có duyên” thì dù muốn cũng chẳng gắn bó được. May mắn là hai con của tôi đều đủ tiêu chuẩn làm “hậu duệ” của làng nghề mà bao đời cha ông gây dựng” - cụ Trang chia sẻ.

 

Không để làng nghề có lịch sử hơn 200 năm đi vào quên lãng, Chủ tịch Hiệp hội Đúc Bằng Châu (tỉnh Bình Định) Nguyễn Đức Ngọc đã lặn lội đi các nơi để tìm hướng phát triển làng nghề. Năm 2008, ông phát hiện ở Đồng Xâm (Thái Bình) có nghề chạm khảm tam khí lâu đời, có thể kết hợp với nghề đúc truyền thống của quê hương. Ông quyết định thuê thợ ở đây về truyền nghề cho thợ trẻ trong làng. Từ đó, làng đúc Bằng Châu không chỉ sản xuất những sản phẩm truyền thống mà còn làm những mặt hàng lưu niệm kết hợp giữa nghề đúc với nghề khảm tam khí, như phong cảnh tháp Đôi, cầu Thị Nại, tượng Quang Trung… được nhiều khách hàng đặt mua. Ông Ngọc tâm sự: sản phẩm của làng nghề truyền thống không chỉ là vật dụng bình thường, mà còn chứa đựng những nét văn hóa cổ xưa. Để làng nghề tồn tại và phát triển, tôi luôn căn dặn cánh thợ trẻ phải làm sao cho mỗi sản phẩm đến tay khách hàng đều thật đẹp, chất lượng, để khách hàng hài lòng và tín nhiệm…

 

Trong câu chuyện của những người thợ vẫn canh cánh bên lòng về những hướng đi giúp làng nghề ổn định về đầu ra để họ đưa sản phẩm vươn đến được những thị trường xa, nhằm chủ động về thị trường tiêu thụ.

 

Minh Hạnh