Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Rumani giai đoạn 2010 - 2012 tăng bình quân từ 10 - 15%/năm, năm 2013 Việt Nam phấn đấu duy trì kim ngạch xuất khẩu ổn định, dự kiến đạt 90,2 triệu USD, tăng 12% so với năm 2012.


Từ nhiều năm nay, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đã có chỗ đứng khá ổn định tại thị trường Rumani, được người tiêu dùng địa phương đánh giá cao. Các mặt hàng cà phê, hạt tiêu, chè… của Việt Nam từ lâu đã được tiêu thụ khá ổn định tại thị trường Rumani, tuy nhiên việc mua bán thường phải thực hiện thông qua doanh nghiệp trung gian, tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp Rumani đang cố gắng tiếp cận trực tiếp các nhà sản xuất và xuất khẩu nước ngoài để mua hàng, không muốn nhập khẩu qua trung gia.

Theo số liệu thống kê của Rumani, riêng mặt hàng cà phê robusta hạt xanh của Việt Nam hàng năm Rumani nhập khẩu khoảng từ 12 - 15% tổng sản lượng cà phê nhập khẩu của nước này. Năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7500 tấn cà phê robusta, với tổng giá trị gần 16,5 triệu USD. Các mặt hàng nông sản khác như hạt tiêu, gia vị, hoa quả hộp… cũng được thị trường ưa chuộng nhưng kim ngạch xuất khẩu còn rất khiêm tốn.Về các mặt hàng thủy hải sản trong 3 năm trở lại đây, nhóm hàng này của Việt Nam như: tôm sú, cá tra, cá basa đông lạnh đã trở thành thương hiệu hấp dẫn với người tiêu dùng bản xứ. Một mặt là do chất lượng và giá cả các mặt hàng này tương đối phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người tiêu dùng Rumani, bên cạnh đó còn phù hợp với trào lưu hạn chế ăn thịt của người châu Âu hiện nay. Đây là một thuận lợi lớn cho xuất khẩu mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu nói chung. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2012 Rumani đã nhập khẩu từ Việt Nam trên 7.400 tấn thủy hải sản các loại với tổng giá trị khoảng 10,3 triệu USD. Tuy nhiên, các mặt hàng này của Việt Nam đang phải cạnh tranh về giá và chất lượng với hàng cùng loại của Thái Lan, nhất là các mặt hàng tôm đông lạnh và cá đóng hộp.Một trong nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Rumani trong mấy năm trở lại đây là nhóm hàng công nghiệp. Các sản phẩm điện tử, điện gia dụng và phụ tùng mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam“ ngày một quen thuộc và gần gũi với người tiêu dùng Rumani, do chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh.

Tuy chưa được đầu tư nhiều về quảng cáo tại địa bàn, song các sản phẩm này của Việt Nam đang ngày càng chiếm được cảm tình tốt từ người tiêu dùng Rumani. Theo số liệu thống kê, năm 2012, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm này sang Rumani đạt tổng giá trị gần 20 triệu USD. Theo các chuyên gia, nếu có chính sách quảng cáo và tiếp thị hợp lý, mặt hàng này có thể đạt kim ngạch xuất khẩu đến 30 triệu USD mỗi năm.Các mặt hàng khác như may mặc, giày dép, đồ gỗ, mây tre đan… hiện nay cũng đang được thị trường Rumani ưa chuộng, tuy nhiên giá trị nhập khẩu các mặt hàng này không lớn chỉ khoảng từ 0,3 - 0,7 triệu USD mỗi năm. Riêng các mặt hàng may mặc, giày dép đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả với hàng cùng chủng loại của Trung Quốc.Trong giai đoạn 2010 - 2012, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Rumani chỉ đạt mức trên dưới 100 triệu USD, con số này, theo đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp phải tự nỗ lực để mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu thì việc hỗ trợ của các tổ chức xúc tiến thương mại hai nước là hết sức cần thiết, nhất là việc cung cấp thông tin thị trường, đối tác, giúp tổ chức hội nghị, hội thảo, khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Rumani phải bảo đảm số lượng cung ứng hàng ổn định, thường xuyên cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới… để cạnh tranh với hàng hóa các nước nhất là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…Với nhu cầu nhập khẩu của thị trường Rumani là khá lớn về sản phẩm nông sản và hàng tiêu dùng (khoảng 17,5 tỷ USD bình quân hàng năm), hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ biết tận dụng cơ hội, khắc phục bất cập… phát huy hơn nữa khả năng xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Rumani trong tương lai.

 

Lê Hà