Hoạt động của IPC1 đã thực sự hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên các địa bàn mở rộng sản xuất, đổi mới dây chuyền công nghệ, đặc biệt là đào tạo nghề theo đúng địa chỉ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Hoạt động đào tạo nghề của IPC 1 rất đa dạng, bài bản và mang lại hiệu quả rõ rệt. Tại 03 tỉnh Nam Định, Hải Phòng và Ninh Bình, IPC 1 đã phối hợp với các Trung tâm dạy nghề và các Công ty tổ chức đào tạo nghề may cho hơn 4.000 lao động tại các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu (Nam Định), Nho Quan, Yên Khánh (Ninh Bình)... Cùng với các Trung tâm khuyến công địa phương xây dựng đề án đào tạo nghề chế biến thuỷ sản, da giày, cơ khí tại Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên cho hơn 2.000 lao động.
Cùng với Trung tâm dạy nghề huyện Tiên Lãng và Công ty TNHH Nam Thiện tổ chức khóa đào tạo nghề sản xuất giày, dép xuất khẩu cho 900 lao động huyện Tiên Lãng; đào tạo kỹ thuật chế biến thủy sản cho 250 lao động huyện Cát Hải... IPC 1 cũng phối hợp với Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên và Công ty CP sản xuất Thép Gang đào tạo tại chỗ cho 300 lao động... Trước khi tổ chức một khóa học, IPC1 đã khảo sát nhu cầu lao động của doanh nghiệp trên các địa phương. Vì vậy, hơn một năm qua, trên 9 nghìn lao động được IPC1 phối hợp đào tạo đều đã có việc làm ổn định. Tại Xí nghiệp may Hải Đường (Công ty CP Đầu tư Hải Đường), hơn 500 công nhân vào làm việc tại đây đều là con em của xã Hải Đường, với mức lương 2,5 - 4,3 triệu đồng/người/tháng. Với nhiệm vụ của mình, IPC1 đã xây dựng những đề án mang tính vùng miền phù hợp với qui hoạch và chiến lược phát triển của ngành.
Năm qua, IPC 1 đã triển khai tại huyện Xuân Trường (Nam Định) 3 đề án là mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất vỏ bình sử dụng áp lực tạo bọt tại Công ty TNHH MTV Tấn Phát, mô hình sản xuất máy làm gạch không nung tại Công ty CP Thanh Bằng, mô hình chế tạo máy ghép thanh gỗ tại Công ty TNHH cơ khí Đình Mộc. Ngoài ra còn mô hình sản xuất gỗ ghép thanh tại Công ty CP Sahabak (huyện Chợ Mới –Bắc Kạn); Mô hình sản xuất gỗ ván ép tại Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn TVT (huyện Vụ Bản –Nam Định). Bên cạnh đó, IPC 1 còn tổ chức hỗ trợ ứng dụng máy in sơ đồ line trong hệ thống giác điện tử để giác mẫu sơ đồ và thiết kế mẫu mã hàng may mặc tại Công ty CP đầu tư Hải Đường – xã nông thôn mới của Nam Định. Do xuất phát điểm của các cơ sở CNNT đều thấp, chủ yếu là cơ sở làng nghề mang tính nhỏ lẻ và tự phát nên hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một trong những mục tiêu mà IPC 1 hướng tới.
Năm qua, IPC 1 đã hỗ trợ thành lập doanh nghiệp cho 16 đơn vị trên các địa bàn khó khăn tại Nam Định. Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc IPC 1 cho biết, năm tới, IPC 1 sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ thành lập 9 doanh nghiệp của tỉnh Nam Định, 15 doanh nghiệp của tỉnh Cao Bằng và 10 doanh nghiệp của tỉnh Bắc Kạn tại các địa bàn khó khăn. Với cách làm trên, IPC 1 không chỉ giúp cho doanh nghiệp có niềm tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước mà tạo việc làm cho người lao động ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời cung ứng nguồn nhân lực giúp các cơ sở CNNT hướng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Có thể nói, những đề án mang tính vùng miền của IPC1 đã góp phần thúc đẩy CNNT phát triển, các doanh nghiệp được hỗ trợ đã có chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh. Đó chính là yếu tố cơ bản góp phần để hoạt động khuyến công ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình.
LH.