Cụ thể, phối hợp với Công ty TNHH may XK & DVTM Trường Thủy đào tạo cho 240 học viên tại xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân; phối hợp với Công ty TNHH Thiện Đức đào tạo cho 120 học viên ở xã Hoằng Long, TP. Thanh Hóa; phối hợp cùng Công ty TNHH DVTM Cẩm Hoàng đào tạo 240 học viên ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy và phối hợp với Công ty TNHH may xuất khẩu thương mại Quang Minh đào tạo 150 học viên ở xã Định Bình, huyện Yên Định.
Toàn bộ học viên tham gia các khóa đào tạo nghề may công nghiệp này không phải đóng bất kỳ một khoản kinh phí nào, hơn nữa ngoài nội dung học lý thuyết trên lớp, việc thực hành của các học viên còn được gắn liền với sản xuất của doanh nghiệp nên rất thuận lợi cho việc tiếp nhận kiến thức, nâng cao tay nghề và ứng dụng vào quá trình làm việc. Sau khóa đào tạo, IPC 1 sẽ phối hợp với các đơn vị dạy nghề và các đơn vị liên quan kiểm tra, sát hạch tay nghề của các học viên. Các học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ và được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận vào làm việc lâu dài với mức thu nhập ổn định.
Các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động là các doanh nghiệp mới được thành lập từ 1 – 3 năm nhưng bước đầu hoạt động rất hiệu quả, được người dân địa phương tin tưởng. Khi Công ty thông báo tuyển lao động học nghề, đã có rất nhiều lao động đăng ký được học, tuy nhiên trong khuôn khổ của đề án mới chỉ hỗ trợ đào tạo được số lượng lao động hạn chế. Do đó, các doanh nghiệp này đều bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình đào tạo nghề tiếp theo để nhiều người dân tỉnh Thanh Hóa nói riêng và lao động nông thôn nói chung có cơ hội được học nghề và làm việc ngay tại quê hương mình.
Phòng Khuyến công – IPC1