Tuy nhiên, theo Hiệp hội làng nghề VN con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế và các làng nghề vẫn chưa phát huy hết năng lực, tiềm năng của mình; chưa có sự liên kết trong các làng nghề trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, các nghệ nhân, các hộ sản xuất, các doanh nghiệp trong làng nghề, rất muốn có sự bổ sung, thay đổi cơ chế, chính sách để khuyến khích làng nghề phát triển.
Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, là một trong những CCN vừa và nhỏ của tỉnh Hà Tĩnh đi vào hoạt động sớm nhất từ năm 2010. Đên nay, CCN làng nghề Trung Lương đã có 18 cơ sở sản xuất nhỏ đang hoạt động, sản phẩm chủ yếu của các cơ sở sản xuất này là rèn, đúc, gia công cơ khí, vật liệu xây dựng. Ngay từ khi mới di dời ra CCN làng nghề này, ngoài chính sách chung của tỉnh ưu tiên cho doanh nghiệp mặt bằng sản xuất, doanh nghiệp Núi Hồng của anh Dương còn được Trung tâm Khuyến công Hà Tĩnh hỗ trợ 120 triệu đồng để đầu tư nâng cao năng lực thiết bị sản xuất.
Theo anh Dương, nghề rèn đúc là một nghề truyền thống có từ lâu đời ở Trung Lương, gia đình anh đã có nhiều thế hệ nối tiếp nhau “sống” với nghề rèn. Nhưng vì sản xuất theo quy mô nhỏ, phải chịu nhiều ràng buộc từ khu dân cư bởi hệ thống nước thải, tiếng ồn, nguồn điện..., cho nên không thể mở rộng quy mô sản xuất. Sau khi xã Trung Lương tiến hành xây dựng CCN làng nghề Trung Lương, anh Dương cùng nhiều cơ sở sản xuất khác trong làng nghề như được “cởi trói” để phát triển. Từ một xưởng cơ khí nhỏ, anh Dương đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, vay vốn phát triển doanh nghiệp. Đến nay, sản phẩm rèn đúc của doanh nghiệp Núi Hồng đã có mặt ở khắp thị trường trong và ngoài tỉnh, doanh thu đạt từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho gần 40 lao động, mức lương bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.
Là địa phương có nhiều lợi thế phát triển làng nghề, lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh chọn Trung Lương làm điểm xây dựng và phát triển làng nghề của cả tỉnh Hà Tĩnh. Cho đến nay, CCN làng nghề Trung Lương đã có 18 cơ sở sản xuất, 8 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định với số vốn đầu tư hơn 56 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Đăng, Chủ tịch UBND phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho biết: Từ khi CCN ra đời đã giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường khu dân cư, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và sự hỗ trợ của nguồn kinh phí khuyến công cho các doanh nghiệp để tăng năng lực sản xuất là hết sức ý nghĩa, cần thiết cho các doanh nghiệp, đặc biệt là thời điểm khó khăn hiện nay.
Được biết năm 2013, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã hỗ trợ 150 triệu đồng để các hộ làng nghề Trung Lương tham gia Hội chợ giới thiệu làng nghề trong tỉnh. Chính quyền xã Trung Lương cũng đã quy hoạch xong diện tích đất cho làng nghề di dời và phát triển tốt hơn. Tất cả đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là sự quan tâm của các cơ quan chức năng, Hiệp hội làng nghề VN như thế nào để khôi phục lại các làng nghề truyền thống này.
Trong những năm gần đây, Hiệp hội làng nghề VN cũng đã tổ chức khá nhiều hội thảo về vấn đề liên kết làng nghề, các ngành nghề, sự hợp tác của các nghệ nhân trong lĩnh vực nâng cao chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm làng nghề cũng đã được nghệ nhân làng nghề quan tâm.
Theo ông Đỗ Quang Hùng, Nghệ nhân làng dệt lụa Vạn Phúc, Hà Nội thì: Vấn đề liên kết các làng nghề, cần có sự vào cuộc chung của chính quyền và ban ngành, bởi nếu liên kết được các nghệ nhân thì sản phẩm mới tiêu thụ dễ hơn. Nghệ nhân Hùng cũng đưa ví dụ, thực tế những năm qua, sản phẩm lụa của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc mới dừng lại một số mẫu mã cố định, nhiều năm chưa có sự thay đổi rõ rệt. Khách hàng thường xuyên yêu cầu mẫu mã mới, mà bản thân gia đình ông mới đáp ứng một phần rất nhỏ; khi cần làm số lượng lớn thì năng lực hộ cá nhân không đủ, nếu huy động nhiều nghệ nhân khác tham gia cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Tôn Gia Hóa, Phó chủ tịch Hiệp Hội Làng nghề VN cho biết: Việc liên kết các sản phẩm làng nghề là rất cần thiết, Hiệp hội chỉ mới kết nối cho các sản phẩm này tham gia các hội chợ tại địa phương, nếu xin được tỉnh hỗ trợ kinh phí thì mới giúp làng nghề quảng bá ra nước ngoài, điều này cũng rất hạn chế. Vì vậy, nhiều năm nay, các nghệ nhân ở các làng nghề hợp tác với nhau theo quan hệ cá nhân là chính.
Hiện tại ở nước ta có hơn 3000 làng nghề, tạo việc làm cho gần 2 triệu lao động; mỗi năm các làng nghề còn tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Điều này cho thấy, vai trò của các nghệ nhân gắn với các làng nghề truyền thống, ngày càng có ý nghĩa trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất của nền kinh tế đất nước. Nhìn vào những nghề thủ công nổi tiếng của nước ta như nghề gốm, nghề đan lát, nghề chạm khắc gỗ, nghề gò đúc đồng, nghề làm giấy, nghề làm tranh, nghề kim hoàn hay làm nón, dệt vải. Tuy nhiên trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, Hiệp hội làng nghề VN mong muốn Bộ Công Thương cần tổ chức thường xuyên nhiều triển lãm, hội chợ công nghiệp và thương mại nhằm quảng bá sản phẩm làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu.
Hùng Lê