Các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Long không phân bố rãi rác mà tập trung tại các huyện, tạo thành điểm nhấn riêng như: Huyện Vũng Liêm thì có làng nghề trồng và se lõi lát; Tam Bình thì đan thảm lục bình; Măng Thít thì sản xuất gạch - gốm; Trà Ôn thì làm bánh nem Cù lao Mây…. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương quản lý và nhân rộng các làng nghề.
Những năm qua, một số làng nghề đã xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, các sản phẩm của làng nghề đã không những chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài, mỗi năm mang về nguồn thu khá lớn cho địa phương. Theo Ông Trương Văn Sử, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Vĩnh Long thì: Trong những năm qua Trung tâm có xây dựng các đề án khuyến công và nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ khuyến công Quốc gia. Trung tâm cũng đã tập trung hỗ trợ cho các cơ sở làng nghề trên địa bàn. Tính đến thời điểm này cũng đã mở được nhiều lớp tập huấn để nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở làng nghề, hỗ trợ máy móc thiết bị để làm sao tạo điều kiện các cơ sở làng nghề này nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu sản phẩm.
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận làng nghề sản xuất “tàu hủ ky Mỹ Hòa” của thị xã Bình Minh là sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Đây là thông tin hết sức phấn khởi đối với bà con ở làng nghề gần 100 năm tuổi này. Để giúp các chủ cơ sở có thể quản lý và sử dụng tốt thương hiệu, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã tổ chức buổi tập huấn cho 27 hộ dân thuộc làng nghề. Nhờ đó, bà con có thêm điều kiện để phát triển và nhân rộng sản xuất so với hiện nay. Vĩnh Long hiện có 4 làng nghề truyền thống được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Để giữ vững và phát triển thương hiệu, các chủ cơ sở đang cố gắng nâng cao hơn nữa chất lượng của sản phẩm. Qua đó góp phần đưa sản phẩm của mình ngày càng vươn xa trên thị trường, không những chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Có thế nói, trước đây, các hộ tham gia làng nghề đa phần chỉ ở quy mô nhỏ. Còn hiện nay, do điều kiện phát triển, nhiều hộ đã nâng lên thành cơ sở sản xuất. Điển hình như cơ sở bánh xếp Thanh Thảo thuộc làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc - Tam Bình, trước đây mỗi ngày chỉ có thể làm ra không quá 50 thùng bánh, nay đã nâng công suất lên trên 100 thùng. Nhu cầu thị trường ngày càng lớn, thế nhưng sản xuất theo phương thức thủ công như hiện nay thì không thể đáp ứng đủ số lượng theo đơn đặt hàng, cơ sở phải lấy thêm bánh của nhiều hộ dân trong làng nghề. Nhờ đó đã tạo được việc làm ổn định cho rất nhiều lao động ở địa phương. Ông Thiều Văn Hớn, Làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc, Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Các sản phẩm của cơ sở thì có đầu ra ổn định và rộng rãi. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cũng hỗ trợ cho cơ sở 50 triệu đồng để chuyển đổi mô hình thủ công sang khuôn điện. Từ khi chuyển đổi chúng tôi cũng hướng dẫn cho bà con lao động cách làm mới và thu nhập của họ cũng tăng lên.
Trong số các làng nghề truyền thống của Vĩnh Long thì nghề làm gạch - gốm là có lịch sử lâu đời nhất. Nơi đây từng được xem là Vương quốc gạch - gốm của cả nước. Thời cực thịnh của làng nghề có trên 2.000 miệng lò hoạt động ngày đêm, nhưng nay chỉ còn trên 300 lò. Nguyên nhân do gặp khó ở đầu ra nên nhiều doanh nghiệp phải giải thể. Trước thực trạng trên, Sở Công Thương tỉnh đã nghiên cứu và đưa vào vận hành thử nghiệm “lò nung liên hoàn Vĩnh Long” với những ưu thế vượt trội so với lò nung truyền thống như: Chi phí sản xuất thấp, thời gian hoàn thành sản phẩm nhanh gấp 15 lần nhưng chất lượng vẫn đảm bảo.
Ông Bùi Văn Phước, Chủ cơ sở gạch – gốm Chín Phước, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Cái lò liên hoàn thì mình tận dụng được cái nhiệt, thứ hai nữa là mình dễ xử lý môi trường, thứ ba nữa là ra vô của mình nó dễ, còn lò kia thì nó khó làm hơn, nhiều cái cộng lại thì giá thành nó rẻ hơn cái kia tới 200 đồng 1 viên .Ông Trương Văn Sử, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm: Lò nung liên hoàn này khi mà đưa vào triển khai rộng rãi có thể nói là tạo cho các doanh nghiệp, các lò này có điều kiện vực dậy nghề sản xuất gạch – gốm vốn lâu nay, một thời đã phát triển và rất nổi tiếng ở địa phương.Công nghệ mới đã mở ra lối đi mới cho làng nghề theo huớng ngày càng thân thiện với môi truờng. Làng nghề gạch - gốm ở Vĩnh Long từng đứng trước nguy cơ bị mai một, giờ đã bập bùng những hy vọng.
Và ở nhiều làng nghề khác cũng vậy. Nhờ ý thức giữ gìn truyền thống của bà con, cộng với sự quan tâm đầu tư đúng mức của ngành chức năng, các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Long vẫn đang được duy trì và có sự phát triển nhất định. Việc cần làm tiếp theo là đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Có một thương hiệu riêng sẽ làm tăng sức cạnh tranh; một đầu ra ổn định sẽ đảm bảo cuộc sống của bà con làm nghề. Qua đó, không những cùng địa phương thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả mà còn góp phần gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Lê Hùng