Vừa qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoa Hùng, xã Hoàng Đan (Tam Dương) xây dựng thành công dây chuyền sản xuất phân vi sinh từ than bùn, giá rẻ, chất lượng cao, giúp tăng năng suất cây trồng và tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn.


Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình khuyến công quốc gia, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hai tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất phân vi sinh đầu tiên của tỉnh. Đây là loại phân bón được sản xuất từ than bùn kết hợp bột kích hoạt vi sinh, sau đó được ủ lên men theo công nghệ mới để tạo ra những quần thể sinh vật có ích. Khi bón vào đất, những vi sinh này phát triển và xâm nhập vào bộ rễ, tác động tổng hợp lên cây trồng, đồng thời chuyển hóa hàm lượng lân khó tiêu có sẵn trong đất thành lân rễ tiêu cung cấp cho cây trồng. Bên cạnh đó, loại phân bón này còn có tác dụng hạn chế sâu bệnh, cải tạo đất, làm cho đất tơi xốp, giúp cây trồng hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng, chống ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩn nông nghiệp an toàn. Loại phân bón hữu cơ vi sinh này có thể sử dụng để bón lót, bón thúc cho nhiều loại cây trồng: cây lương thực, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, hoa, cây cảnh...


Đặc biệt, phân bón có giá rẻ hơn nhiều so với các loại phân bón bán trên thị trường. Qua ứng dụng thực tế trên một số cây trồng như lúa, ngô, rau đậu cho thấy năng suất tăng 10-15% so với các loại phân khác, tạo ra sản phẩn nông nghiệp an toàn. Theo các nhà khoa học, khi bón trên lúa, phân hữu cơ vi sinh làm cây lúa đẻ nhánh khỏe, thân mập, cứng cây, tăng số nhánh hữu hiệu, giảm tỷ lệ sâu bệnh hại, năng suất đạt gần 60 tạ/ha, tăng 18%, gấp 1,6 lần so với đối chứng. Phân vi sinh cũng giúp làm cho bắp to, đóng bắp tốt hơn, hạt đều hơn, khối lượng 1.000 hạt cao hơn 28,3g, năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 19%, gấp 1,4 lần so với đối chứng. Theo các tác giả của nhóm đề tài thì loại phân bón mới này có giá rẻ, chỉ khoảng 1.400 đồng/kg, thấp hơn các sản phẩm cùng loại từ 200-300 đồng/kg, phù hợp với nông dân.


Việc sản xuất thành công loại phân bón này đã mở ra một hướng phát triển mới cho ngành chế biến phân bón hữu cơ sinh học phục vụ nông nghiệp, đồng thời giảm bớt gánh nặng về giá phân bón hiện đang tăng cao cho người nông dân. Mặc dù mới đang trong giai đoạn chạy thử nhưng nhờ chất lượng và giá thành thấp nên phân bón sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Dự kiến, trong thời gian tới, nhà máy sẽ đưa công suất hoạt động lên 500-1.000 tấn/năm, giải quyết việc làm trực tiếp cho lao động tại địa phương. Vĩnh Phúc hiện có trữ lượng lớn than bùn chất lượng cao tại các huyện Tam Dương, Lập Thạch chưa được khai thác. Với nguồn nguyên liệu dồi dào này sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh lâu dài với giá rẻ, phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Công ty đang mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh


Theo các nhà khoa học, ở quy mô hộ gia đình cũng có thể sản xuất phân hữu cơ vi sinh bằng cách tận dụng rác thải, phân chuồng ủ thành đống một thời gian thành mùn (phân compost), sau đó trộn với vi sinh để bón cho cây trồng. Tạo đống ủ bằng cách đào lỗ (nơi không ngập nước) hoặc khoanh liếp tre như ví lúa,..Nguyên liệu cần được chặt hoặc bằm, xay nhỏ càng tốt. Tưới dung dịch E.M (chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu) cho đều, thử độ ẩm thích hợp bằng cách bóp nguyên liệu ủ trong nắm tay vừa ướt, vón cục nhưng không chảy nước. Nén chặt và đậy đống ủ bằng bao bố cũ hoặc đậy lá chuối và dùng bùn phủ lên một lớp mỏng. Giữa đống ủ cắm một khúc cây để thăm dò nhiệt độ đống ủ, đồng thời để bổ sung ẩm (bù lượng nước hao hụt trong những ngày khô hạn). Khoảng một tháng có thể vỡ ra, trộn lại đống ủ và bổ sung dung dịch E.M, ủ tiếp (có thể thêm phân đạm, lân hòa với nước). Chế phẩm vi sinh vật hiện nay tương đối dễ tìm và rẻ là E.M có bán ở Viện Khoa học Nông nghiệp, các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ,... Đối với các nguyên liệu có khả năng tạo thành chất chua như bả đậu, hèm rượu, thạch dừa hư,.. thì nhất thiết phải được bổ sung vôi để khử chua và hạn chế tạp khuẩn, đồng thời bổ sung chế phẩm vi sinh thường xuyên để phân huỷ nhanh và cạnh tranh với men tạp.
 

CTV. An Khánh