Theo Ông Nguyễn Thế Hải Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Trà Vinh, giai đoạn 2007 - 2012 mặc dù tỉnh Trà Vinh mới thực hiện xây dựng được 05 mô hình trình diễn kỹ thuật (TDKT) nhưng các mô hình này đều mang lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa trong ngành. Tuy nhiên, để triển khai mạnh mẽ công tác này và đạt hiệu quả cao thì cần thêm rất nhiều điều kiện hỗ trợ để mang lại lợi ích lớn hơn.

 

PV. Xin Ông cho biết về việc xây dựng và đăng ký các đề án khuyến công của tỉnh hàng năm?

Ông Nguyễn Thế Hải: Khi xây dựng và đăng ký các đề án khuyến công của tỉnh hàng năm, chúng tôi rất quan tâm đến khâu khảo sát nhu cầu của Cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn để đảm bảo tính khả thi của từng đề án. Đặc biệt, Chúng tôi quan tâm đến các đề án khuyến công góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng thị hiếu của khách hàng, hạn chế ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Cụ thể như các đề án với nội dung: Ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào khâu sản xuất; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; Đào tạo nghề, truyền nghề; áp dụng sản xuất sạch hơn; Kết nối thị trường….

 

PV. Việc xây dựng và triển khai thực hiện nội dung khuyến công về hỗ trợ xây dựng mô hình TDKT, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật được thực hiện ở địa phương như thế nào? Các khó khăn, thuận lợi khi thực hiện nội dung này?

 

Ông Nguyễn Thế Hải: Hỗ trợ xây dựng mô hình TDKT, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật là một trong những nội dung hoạt động khuyến công được chúng tôi quan tâm rất nhiều. Vì đây là hoạt động giúp cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội để đầu tư công nghệ; nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm; tích lũy kinh nghiệm nhờ được tư vấn, hỗ trợ cả vốn và kỹ thuật… Từ đó có thể nhân rộng để các doanh nghiệp cùng ngành nghề trên địa bàn tỉnh học tập và áp dụng.

 

Giai đoạn 2007 - 2012, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Trà Vinh (Trung tâm) đã hỗ trợ xây dựng được 05 mô hình TDKT, với tổng kinh phí hỗ trợ là 288.261.000 đồng; thu hút được 9.734.249.500 đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ cũng như vốn đầu tư còn rất khiêm tốn, nhưng hiệu quả mang lại từ các mô hình này là rất lớn, tạo thêm 120 việc làm, với thu nhập ổn định 2 triệu - 2,5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động, tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT, tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước,… Điều quan trọng nhất là các sản phẩm tham gia mô hình đều khẳng định được vị thế trên thị trường, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho tỉnh.

 

Bên cạnh những thuận lợi như luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Cục Công nghiệp địa phương, UBND tỉnh và Sở Công Thương, sự thống nhất giữa các ngành, các cấp và doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đề án xây dựng mô hình trình diễn nhưng khó khăn lớn của Trung tâm là hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong tỉnh có quy mô tương đối nhỏ, vốn đối ứng thấp nên không thể tổ chức triển khai thực hiện các đề án có quy mô lớn được.

 

Mặt khác, định mức kinh phí khuyến công hỗ trợ theo quy định hiện tại còn rất thấp nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp tích cực tham gia. Ngoài ra, các yếu tố khác như nhu cầu thị trường, sức khỏe của nền kinh tế, tình hình tài chính của chính doanh nghiệp, cơ sở CNNT (đơn vị thụ hưởng)… Nên với Trà Vinh, việc khảo sát để lập và triển khai các đề án khuyến công với nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình TDKT, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật còn tương đối ít.

 

Tuy nhiên, khi xây dựng đề án mô hình TDKT, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, Sở Công Thương luôn chỉ đạo Trung tâm thực hiện tốt công tác khảo sát thực tế tại doanh nghiệp, cơ sở CNNT như phải đảm bảo các tiêu chí về: đối tượng thụ hưởng, khả năng về vốn đầu tư, thời gian thực hiện; hiệu quả mang lại khi đề án được triển khai,.. Vì vậy, thời gian qua các đề án được lập đều phù hợp với quy định và được xem xét cấp kinh phí để hỗ trợ cho cơ sở CNNT, công tác triển khai đều đạt hiệu quả cao.

 

PV. Để xây dựng và triển khai thực hiện được tốt đề án hỗ trợ xây dựng mô hình TDKT, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật thì cần phải làm những gì? Các kiến nghị, đề xuất?

 

Ông Nguyễn Thế Hải: Muốn xây dựng đề án khuyến công, nhất là với các đề án hỗ trợ xây dựng mô hình TDKT, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả cao thì trước tiên cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đối với các doanh nghiệp hiểu rõ nội dung hỗ trợ của hoạt động khuyến công, qua đó tự nguyện và mong muốn được tham gia. Tiến hành khảo sát, lựa chọn đối tượng, ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và các huyện.

 

Khi triển khai thực hiện phải có kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể giữa Trung tâm và đơn vị phối hợp (chủ đầu tư - đơn vị thụ hưởng). Đồng thời, tranh thủ sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan từ tỉnh xuống huyện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát trước, trong và sau quá trình triển khai thực hiện, kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

 

Đồng thời để thu các doanh nghiệp tham gia nội dung này cần tăng mức chi hỗ trợ kinh phí khuyến công đối với các loại đề án này. Vì hiện tại, nguồn kinh phí xây dựng mô hình TDKT và ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ có mức hỗ trợ quá thấp so với tổng vốn đầu tư, nên rất khó thu hút được doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, đề nghị Cục Công nghiệp địa phương tham mưu với Bộ Công Thương ban hành văn bản quy định cụ thể các nội dung về định mức chi đối với từng hoạt động như: Chi phí quản lý đề án, chi phí trình diễn…

 

Hiện nay, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công đã đi vào thực hiện được trên một năm, tuy nhiên các văn bản pháp luật khác như: thông tư quy định định mức chi cụ thể các hoạt động khuyến công (thay thế Thông tư 125); thông tư hướng dẫn kiện toàn bộ máy tổ chức; văn bản hướng dẫn về một số vấn đề có liên quan đến hoạt động của các chi nhánh khuyến công cấp huyện... cần sớm được ban hành nhằm hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở CNNT phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

PV. Trân trọng cảm ơn Ông!