Chỉ ở trong bất kỳ rất cơ sở sản xuất gốm Chăm nào ở làng Bàu Trúc - làng gốm Chăm cổ xưa nhất Đông Nam Á thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cũng khó có thể đếm hết có bao nhiêu mẫu gốm Chăm. Mỗi sản phẩm là một mẫu, là một kiểu dáng. Kể cả màu gốm cũng không bao giờ có sự trùng lắp, mặc dù mỗi lần nung gốm có đến hàng trăm sản phẩm. Vẫn là màu đất, vẫn là màu đen khói hay màu lá cây, nhưng mỗi sản phẩm mỗi khác. Sức sáng tạo trong cách làm đã giúp gốm Chăm bước ra khỏi làng và trở thành một dòng sản phẩm có thương hiệu trên thị trường.
Ông Vạn Quan Phú Đoan đến với nghề gốm từ năm 2005. Gần 10 năm qua cũng là từng ấy thời gian, ông liên tục tìm kiếm những cách để vừa làm mới gốm Chăm vừa giữ được cái hồn của gốm ở làng Chăm cổ xưa. Đó là cách mà ông cũng như người làng Bàu Trúc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gốm.
Những bình gốm được nung theo công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu vận chuyển khi xuất khẩu. Nhờ có thương hiệu, mỗi năm, nhiều container gốm Chăm của cơ sở sản xuất này đã đến được thị trường Hoa Kỳ, doanh thu mỗi đợt xuất khẩu hàng trăm triệu đồng.
Kể từ năm 2000, sản xuất gốm Chăm ở làng Bàu Trúc đã có sự thay đổi. Người làng Chăm không còn làm theo kiểu những đồ gốm để bán quanh quẩn trong làng. Gốm Chăm, giờ đây là gốm mỹ nghệ, giá trị của gốm được nâng lên từ sự độc đáo của sản phẩm và cũng với đó, người làng Chăm đã bắt đầu biết đến những khái niệm lâu nay vốn xa lạ ở làng Chăm như nhãn hiệu, thương hiệu, xúc tiến, quảng bá…
.
Không phải ngẫu nhiên, bà Lộ Thị Kết ở làng gốm Chăm Bàu Trúc bỏ tiền để in hàng loạt tấm danh thiếp như thế này. Tên của cơ sở sản xuất, địa chỉ và nhất là số điện thoại liên lạc đều được ghi rõ ràng. Bà tìm cách để tấm danh thiếp của mình phân phát ở nhiều nơi. Nhờ đó, nhiều người ở xa đặt hàng cơ sở sản xuất gốm Ngọc Huỳnh của bà Kết qua điện thoại, sau khi tin tưởng chất lượng sản phẩm ở đây.
Xây dựng thương hiệu làng nghề đã mang lại kết quả dễ thấy trong chính công ăn việc làm của những hộ gia đình. Đơn đặt hàng tăng gấp nhiều lần so với cách đây 10 năm. Mỗi tháng, làng nghề Bàu Trúc đưa ra thị trường hàng ngàn sản phẩm. Không chỉ được tiêu thụ trong nước, gốm Bàu Trúc đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Một dạng xuất khẩu tại chỗ cũng đã manh nha hình thành ở làng Bàu Trúc khi du khách đến đây để tham quan, chọn mua sản phẩm. Người trong làng tính đến chuyện làm du lịch làng nghề, đó cũng là nhờ thương hiệu làng gốm Bàu Trúc.
Tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm công nghiệp ở nông thôn, tỉnh Ninh Thuận đã có kế hoạch đến năm 2015, xây dựng thương hiệu đặc thù cho các làng nghề bằng kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương. Đến thời điểm này, đã có hai thương hiệu làng nghề được xây dựng, đó là làng gốm Bàu Trúc và làng dệt Mỹ Nghiệp. Sau khi xây dựng được thương hiệu, chất lượng, quy trình sản xuất, tiếp cận thị trường của các làng nghề, đã được cải thiện.
Từ ngày làng gốm Bàu Trúc có thương hiệu chung, người trong làng bắt đầu tính đến chuyện làm sao để giữ thương hiệu. 25 hộ gia đình làm gốm đều có điểm chung là cách làm, cách nung gốm rất riêng của người Chăm. Nhưng, để giữ bản sắc gốm Bàu Trúc, để giữ thương hiệu thì không phải gia đình nào cũng làm được. Đây là điều mới phát sinh ở làng Bàu Trúc khi xây dựng thương hiệu.
Ông Phạm Châu Hoành, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Ninh Thuận cho biết: Từ khi gốm Chăm có nhãn hiệu, các sản phẩm tung ra thị trường mạnh mẽ hơn, nhiều khách hàng hơn. Làng nghề đã thành lập một hiệp hội để từng thành viên hiệp hội cùng giám sát đánh giá sản phẩm đạt hay không mới được phép mua bán đưa ra ngoài thị trường để khỏi ảnh hưởng đến cái chung.
Những người làm gốm ở Bàu Trúc bây giờ đã dành thời gian bên máy tính, thiết kế mẫu, thực hiện giao dịch thương mại điện tử…, điều mà trước đây, không ai nghĩ có ở làng Chăm. Gốm Chăm có thương hiệu. Gốm Chăm được xuất khẩu. Làng Chăm cũng đang từng bước hội nhập.
Bảo Khánh