Sáng ngày 7/11 các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ để thảo luận về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương điện tử, những nội dung mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều nhất tập trung vào vấn đề bảo đảm an toàn tuyệt đối của công trình, công tác di dân tái định cư, vấn đề môi trường

 
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu năng lượng của nước ta sẽ tiếp tục tăng đáng kể trong tương lai. Sơ bộ cân đối nhiên liệu cho sản xuất điện theo các phương án phụ tải ở các năm 2020 và 2025 cho thấy, với tổng nhu cầu điện dự báo theo phương án cao và tổng sản lượng điện có thể cung cấp từ các nguồn than, khí đốt, thủy điện và năng lượng mới ở nước ta thì còn thiếu tới 112 tỷ kWh vào năm 2020 và 218 tỷ kWh vào năm 2025. Do đó, việc phát triển các nguồn điện, trong đó có thủy điện để bổ sung điện cho lưới điện quốc gia là một nhiệm vụ hết sức bức thiết.

Hầu hết các ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư xây dựng thủy điện Lai Châu, việc xây dựng công trình thuỷ điện Lai Châu sẽ không chỉ đáp ứng được nhiệm vụ cấp điện, cấp nước về mùa khô cho hạ du sông Đà mà còn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn.

Khi hoàn thành năng lực phát điện bình quân hàng năm cả thủy điện Lai Châu là 4,704.10 kWh và 53.10kWh tăng thêm cho bậc dưới, công trình phát huy hiệu quả trong hệ thống điện quốc gia vào sau năm 2016, phù hợp với Qui hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2006-2015 xét đến triển vọng năm 2025 (Qui hoạch điện VI) Thuỷ điện Lai Châu sau khi được xây dựng, cùng với thuỷ điện Sơn La và Hoà Bình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Dù vậy, cũng có khá nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội băn khoăn về một số nội dung còn chưa được thể hiện rõ ràng trong Báo cáo cả Chính phủ.

“Chưa hiểu tường tận thì làm sao có ý kiến sát thực”

Đây là ý kiến của khá nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra khi đóng góp ý kiến về dự nhà máy thủy điện Lai Châu. Các địa biểu cho rằng, chỉ trong một thời gian ngắn các đại biểu phải thảo luận và đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư một công trình lớn mà Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã mất đến mấy năm để thu thập tài liệu, xây dựng hồ sơ thì rất khó có được ý kiến sát thực.

Hơn nữa, những tài liệu mà các cơ quan Chính phủ cung cấp còn sơ sài, chung chung, mà không phải vị đại biểu Quốc hội nào cũng có đủ trình độ chuyên môn để nhận định, đánh giá và đưa ra ý kiến về một trong những dự án quan trọng và có tính đặc thù kỹ thuật cao như Thủy điện Lai Châu.

Chia sẻ quan điểm này, một đại biểu của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đề nghị: “Chính phủ và các cơ quan Chính phủ nên thuyết minh truốc các đại biểu Quốc bằng máy chiếu Projecter và có chuyên gia thuyết minh, chứ cứ đọc một mạch các báo cáo trước Quốc hội như vừa rồi thì quả thật dù được trao trọng trách “nhấn nút thông qua chủ trương” để đầu tư nhà máy thủy điện quan trọng này thì cũng không có nhiều đại biểu Quốc hội tự tin với ý kiến đóng góp của mình” .

Bên cạnh đó, một đại biểu của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề, trong báo cáo của Chính phủ chỉ đưa ra tình huống xảy ra động đất khi công trình thủy điện Lai Châu đã hoàn thành xây dựng. Nhưng giả sử khi chúng ta đang xây dựng mà xảy ra động đất thì sao? Hậu quả sẽ thế nào? Chính phủ cần đưa tình huống này vào trong quá trình chuẩn bị dự án.

Đại biểu này nói thêm, Báo cáo của Chính phủ cho biết, từ các số liệu thu thập được trong giai đoạn nghiên cứu thủy điện Sơn La và các số liệu mới thu thập năm 2009 thì, phần thượng nguồn sông Đà trên lãnh thổ Trung Quốc (sông Lý Tiên) dài 440 km trên lãnh thổ Trung Quốc.

Theo Qui hoạch của Trung Quốc có 11 công trình thủy điện, đến năm 2009, đã hoàn thành và đi vào vận hành 9 công trình, 3 công trình trên dòng chính Lý Tiên. Thế nhưng trong Báo cáo của Chỉnh phủ mới chỉ ra duy nhất những ảnh hưởng có thể có trong trường hợp đập Tukahe (công trình gần biên giới Việt – Trung) bị vỡ. Rằng dung tích hồ chứa Lai Châu từ mức nước dâng bình thường 295m đến đỉnh đập là 175 triệu m3, còn dung tích hồ chứa Tukahe là 78 triệu m3, nếu đập bị vỡ, thì đập Lai Châu vẫn đảm bảo an toàn “Thế còn 10 công trình thủy điện còn lại của Trung Quốc thì sao, khi các công trình này có sự cố, khi họ chặn nước hoặc xả nước thì ảnh hưởng như thế nào đến công trình thủy điện Lai Châu và các công trình phía hạ lưu của Việt Nam?”.Đề nghị Chính phủ cần có thuyết minh rõ ràng hơn, chi tiết hơn, trong đó đưa vào đầy đủ những đánh giá tác động nói trên” ông nói.

Di dân, tái định cư sao cho “ổn”

Mặc dù trong Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra các số liệu điều tra cập nhật đến tháng 12/2008, hiện có 9 xã (30 bản) với 1.331 hộ/5.867 người thuộc huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu nằm trong phạm vi vùng ngập hồ chứa và mặt bằng xây dựng công trình.

Các cơ quan Chính phủ hữu quan cũng đã tiến hành lập Qui hoạch tổng thể bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư thủy điện Lai Châu (do Viện Qui hoạch & Thiết kế Nông nghiệp phối hợp với các ban ngành của tỉnh Lai Châu đã thực hiện). Cụ thể, đã điều tra lựa chọn địa điểm bố trí các điểm tái định cư; hoàn thành công tác đo vẽ bản đồ tỷ lệ 1/10.000 các khu điểm tái định cư phục vụ việc lập Qui hoạch tổng thể bố trí tái định cư; đã tiến hành cắm mốc viền lòng hồ và mặt bằng công trình làm cơ sở để xác định số dân nằm dưới cao độ ngập và số dân phải di chuyển trong phạm vi mặt bằng công trình... Ngoài ra, các cơ quan liên quan cũng đã xây dựng phương án di dân tái định cư, trong đó có đề cập đầy đủ các hạng mục đầu tư: các công trình liên vùng, các công trình giải quyết những vùng bị cô lập về giao thông, các hộ sở tại bị mất đất sản xuất phải di chuyển, các hộ sở tại bị ảnh hưởng của công trình…

Nhưng, ghi nhận của Phóng viên Báo Công Thương Điện tử tại các cuộc thảo luận tại tổ sáng nay cho thấy, xung quanh việc đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu, vấn đề mà nhiều đại biểu băn khoăn nhất chính là công tác di dân, tái định cư phải làm thế nào cho “ổn”.

Nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ cần lập một dự án (có thể coi là dự án thành phần) để giải quyết triệt để công tác di dân, tái định cư với những tính toán đầy đủ nhất, toàn diện nhất đến những tác động của việc di dân nhường đất xây dựng thủy điện. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến tác động về tâm lý, về không gian sống, không gian văn hóa của người dân.

Có ý kiến cho rằng, từ thực tế công tác di dân, tái định cư thủy điện Sơn La cho thấy, chúng ta chưa làm tốt công tác này. Đặc biệt là cách thức đầu tư xây dựng khu tái định cư, nhiều khu không phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt và sản xuất của bà con. “Đề nghị trong quá trình thực hiện công tác di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu cần cho nhân dân tham gia trực tiếp và ngay từ đầu vào quá trình thiết kế, thi công các khu tái định cư. Như thế, họ sẽ không bị hụt hẫng khi chuyển đến khu tái định cư như đã xảy ra tại nhiều khu tái định cư ở các công trình thủy điện trước đây”.

Về vấn đề tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống lâu dài cho người dân, đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đăc Lắk) đề xuất: “Bài học tại rất nhiều dự án khác cho thấy, khi nhận một cục tiền về, người thì trả nợ, người xây nhà, sắm xe, cho con ăn học... Chỉ trong một đến hai năm là hết và “trắng tay vẫn hoàn trắng tay” Tôi đề nghị Chính phủ nên xem xét, lấy ý kiến của người dân để có thể chuyển một phần khoản tiền được hỗ trợ của người dân thành cổ phần của chính họ trong công trình thủy điện này. Như thế sẽ đảm bảo lợi ích lâu dài cho tương lai của những người dân phải di chuyển chỗ ở nhường đất cho công trình”

Bên cạnh những ý kiến về chủ trương đầu tư nhà máy thủy điện Lai Châu, các đại biểu cũng đã dành thời gian thảo luận về chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Để đi đến quyết định cuối cùng về chủ trương đầu tư hai dự án quan trọng trên, ngày 13/11/2009, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về vấn đề này.

Quá trình chuẩn bị Dự án nhà máy thủy điện Lai Châu

- Từ năm 2004, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đã giao cho Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án TĐLC. Sau đó chuyển thành Báo cáo đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu vào năm 2006.

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam hợp đồng với Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 1 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm tra Báo cáo đầu tư nêu trên.

- Tập đoàn điện lực Việt Nam trình Báo cáo đầu tư Dự án TĐLC lên Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 7 năm 2007 (Tờ trình số 852/Ttr-EVN-HĐQT).

- Thủ tướng Chính phủ lập Hội đồng thẩm định Nhà nước về Dự án TĐLC do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm chủ tịch và các ủy viên là đại diện lãnh đạo 15 bộ, ngành và địa phương (Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2008). Hội đồng thẩm định Nhà nước đã lập tổ chuyên gia gồm 19 người và mời Viện Khoa học Năng lượng thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm tư vấn giúp Hội đồng thực hiện nhiệm vụ thẩm định Dự án TĐLC.

- Hội đồng thẩm định Nhà nước đã họp, thảo luận, bỏ phiếu thông qua và báo cáo kết quả thẩm định lên Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 5655/Ttr-BKH ngày 04/8/2008.

- Chính phủ trình Quốc hội về Báo cáo đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu tại Tờ trình số 124/Ttr-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009.
 

Nguồn: Báo CT