Sau hơn chục năm phát triển, đến nay, xã Ninh Vân (Hoa Lư-Ninh Bình) vốn từ hoạt động hộ gia đình, nhỏ lẻ nay đã phát triển thành đại công trường chế tác đá mỹ nghệ. Ông Bùi Đình Thành, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Hoa Lư cho hay: Làng nghề Ninh Vân đã phát triển mạnh, nhiều doanh nghiệp đưa máy móc vào để tăng năng suất lao động. Bên cạnh những sản phẩm vẫn còn đục đẽo bằng tay, đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm được tạo ra từ công nghệ, máy móc hiện đại, nhanh hơn, đẹp hơn, rẻ hơn. Người dân ở đây chưa hết mừng vì mối lợi doanh thu, công ăn việc làm đã phải canh cánh nỗi lo về môi trường ô nhiễm ngày càng nặng.
Được biết, nếu là hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề sẽ được miễn trừ các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường và nhiều ưu đãi khác. Khi đã là doanh nghiệp thì phải chịu các chi phí bắt buộc. Nay Ninh Vân đã có hàng trăm doanh nghiệp nhưng chủ các doanh nghiệp vẫn đang dựa hơi vào làng nghề truyền thống, không muốn chịu chi phí.
Không riêng Ninh Bình gặp khó trong việc giải bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề. Sự nhập nhằng trong việc định danh làng nghề và những lợi ích từ việc nhập nhằng ấy đang được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tận dụng triệt để, gây khó cho cơ quan quản lý. Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) là cơ quan có trách nhiệm quản lý chung đã và đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng và bổ sung chính sách kiểm soát, cải thiện ô nhiễm môi trường làng nghề. Song, nói như ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng - Tổng cục Môi trường thì, hiện nay việc định nghĩa các làng nghề đang rất lộn xộn. Đặc biệt, những làng sản xuất không phải làng nghề truyền thống là ô nhiễm nhiều nhất.
Cũng theo ông Tùng, hiện có không ít làng đã “biến tướng” và nhập nhèm giữa làng nghề và làng có nghề như: Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, làng thép Đa Hội (thị xã Từ Sơn) và làng tái chế giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh) tỉnh Bắc Ninh đã thành lập hàng trăm doanh nghiệp. Thậm chí, Đồng Kỵ từ chục năm qua được mệnh là “làng doanh nghiệp” cũng chưa quan tâm nhiều đến môi trường. Điều dễ nhận thấy là trái ngược với sự phát triển thì lượng khói bụi, khí độc đều vượt mức cho phép, nguồn nước, rác thải nhiều năm qua không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm nặng cho các dòng sông chảy qua làng.
Làng nghề gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội hiện nay cũng đang bị ô nhiễm nặng bởi khói bụi và khí CO2. Càng đi sâu vào trong làng, ô nhiễm càng nặng, khắp nơi bao phủ một lớp đất nung, bụi gốm. Trung bình mỗi lò nung gốm bằng than ở Bát Tràng thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cho mỗi mẻ nung. Cùng với đó, phế phẩm, phế liệu đất nung, gốm, sứ vỡ, hỏng chất thành những đống bên đường, mỗi khi mưa xuống, đường lầy lội, bẩn thỉu.
Nổi cộm nhất là làng tái chế giấy Phong Khê, nay đã phát triển thành Cụm công nghiệp thuộc TP Bắc Ninh. Ngay từ năm 2006, thanh tra Sở TN-MT Bắc Ninh đã phát hiện 100% doanh nghiệp, cơ sở tái chế giấy gây ô nhiễm môi trường. Ông Hà Minh Họa, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (BVMT) Bắc Ninh cho biết, đã gửi 137 giấy xử phạt, nhưng chỉ 20 doanh nghiệp chịu thi hành. Sự việc kéo dài cả chục năm vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Năm 2015, cơ quan có trách nhiệm tỉnh Bắc Ninh tiếp tục kiểm tra và tổ chức cưỡng chế 50 doanh nghiệp gây ô nhiễm. Phải chăng, chính các cơ quan hữu quan Bắc Ninh vẫn chưa cương quyết trong xử lý các cơ sở, doanh nghiệp? Kết quả là môi trường vẫn tiếp tục ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.
Một địa phương nổi tiếng không kém về gây ô nhiễm môi trường là thôn Bình Yên, xã Nam Thanh, Nam Trực (Nam Định). Hằng ngày làng nghề tái chế nhôm Bình Yên thải cả ba dạng chất thải rắn, lỏng, khí ra môi trường. Với gần 4.000 hộ dân, khoảng 70% sống bằng nghề, người dân đã đầu độc gần 10 ha đất dẫn đến không sản xuất được, hệ thống kênh rạch ô nhiễm, nước thải tuôn ra nhiều xã quanh khu vực, gây nên biết bao nỗi bức xúc. Nhận thức được tình trạng phức tạp này, địa phương đã xin hỗ trợ của UBND tỉnh Nam Định và xây dựng kho chứa bã thải để xử lý, mức giá xử lý là 3,6 triệu đồng/tấn. Với mức tiền này, nhiều hộ dân đã mang bã thải đổ trộm ra đồng, kênh mương, lâu ngày tạo nên những bãi phế thải và những dòng kênh đen ngòm, thậm chí ban đêm mang sang xã khác đổ trộm. Trước hết, người dân ở chính các làng nghề phải gánh chịu những hậu quả do mình gây ra. Ông Bùi Ngọc Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nam Thanh cho biết, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên huyện và mới đây, một dự án xử lý chất thải đang được đầu tư xây dựng. Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức cả một đợt tuyên truyền vận động. Thế nhưng người dân vẫn chưa tự giác thực hiện. Cứ mãi như thế này thì đời sống của chính người dân bị ảnh hưởng, ông Sơn lo ngại.
Bao giờ làng nghề hết ô nhiễm? Với thực trạng đang ngổn ngang những bất cập, thật không dễ có câu trả lời. Song, theo nhiều chuyên gia, chỉ khi phân định rạch ròi, đâu là làng có nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới, thì việc quản lý mới đi vào quy củ. Thứ trưởng Bộ TN-MT, ông Bùi Cách Tuyến cho rằng, trước mắt, cần triển khai từng bước cụ thể theo lộ trình đã được xác định tại đề án Bảo vệ môi trường làng nghề của Chính phủ.
“Không thể đổ lỗi cho làng nghề. Những nơi ô nhiễm nặng là những làng có nghề tái chế đấy chứ”, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề nói. Theo ông, đời sống của hàng triệu người dân đang trông đợi những quyết sách sát thực tế, hiệu quả và sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của các cơ quan chức năng để trả lại giá trị đích thực cho làng nghề truyền thống cũng như kiểm soát tốt tình trạng ô nhiễm, bảo đảm chất lượng sống cho người dân địa phương.
Theo đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 , cả nước có hơn 100 làng nghề gây ô nhiễm nhất trên toàn quốc cần phải xử lý triệt để đến năm 2020. Trong đó, 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng được thực hiện trong giai đoạn 1; 57 làng nghề được xử lý trong giai đoạn 2 , buộc cơ sở vi phạm khắc phục hậu quả và lập kế hoạch di dời cơ sở sản xuất vào khu, cụm công nghiệp hoặc yêu cầu chuyển đổi sản xuất.
CTV. Khánh Chi