Da giày luôn là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cũng như giá trị xuất khẩu đứng trong top đầu nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 6 tháng đầu năm, ngành da giày đã xuất khẩu 6,09 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng giày, dép đạt 4,84 tỷ USD, tăng 21,9%, mặt hàng túi sách đạt 1,25 tỷ USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso) khẳng định: “Mục tiêu đạt 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của ngành là hoàn toàn khả thi”.
Ngành da giày có tốc độ tăng trưởng cao nhưng xuất khẩu hiện phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso cho biết: 77% giá trị xuất khẩu của ngành da giày hiện nay thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Khối doanh nghiệp trong nước thu phí gia công là chủ yếu.
Theo lý giải của bà Phan Thị Thanh Xuân: Tình trạng trên là do xuất phát điểm của ngành da giày Việt Nam là gia công xuất khẩu. Chi phí nhân công của Việt Nam rất cạnh tranh so với các nước, nên dòng đơn hàng dịch chuyển rất nhanh từ Đài Loan, Hàn Quốc… sang Việt Nam. Đây cũng là lợi thế thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI.
Công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày còn rất hạn chế cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nội lép vế trong tỷ trọng xuất khẩu khi tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu rất thấp. Theo ông Diệp Thành Kiệt, ngành mới chỉ chủ động được 30% nguyên liệu da thuộc. Với mức độ phụ thuộc khoảng 70%, mỗi năm ngành da giày nhập khẩu từ 1,1-1,5 tỷ USD da thuộc cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Không thể phủ nhận những đóng góp của khối doanh nghiệp FDI trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày, giải quyết việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp trong nước cũng có điều kiện học hỏi kinh nghiệm quản lý, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng da giày thế giới. Tuy nhiên, sự áp đảo của các doanh nghiệp FDI trong tỷ trọng xuất khẩu cho thấy khả năng cạnh tranh của khối doanh nghiệp trong nước là thấp. Nếu không có giải pháp hiệu quả, ngành da giày Việt Nam rất khó thoát ra khỏi tình trạng “công xưởng gia công”. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán hàng loạt các hiệp định thương mại, khi các hiệp định này được ký kết sẽ đem lại những lợi ích rất lớn cho ngành, đồng thời tạo sự hấp dẫn với các doanh nghiệp FDI.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, việc cân bằng tỷ trọng xuất khẩu giữa doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp trong nước cần một chiến lược lâu dài. Bởi, các doanh nghiệp FDI là những tập đoàn lớn có lợi thế lớn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ. Quan trọng hơn, họ có thị trường đầu ra quy mô toàn thế giới. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp trong nước chưa đủ lực, khó có thể cạnh tranh mà chỉ có thể cùng nhau phát triển. Bà Xuân cho rằng: Các doanh nghiệp trong nước không thể đi tắt mà cần có chiến lược lâu dài, có thể bắt đầu từ sản xuất gia công, từng bước chuyển sang những hình thức sản xuất cao hơn như FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất, bán thành phẩm)...
Lefaso cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia sản xuất, đa dạng nguồn cung nguyên liệu nhằm tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại. Đồng thời, cần có chiến lược nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng nhằm cung cấp các sản phẩm thị trường cần, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.
Hải Linh