Tại hội thảo, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thông tin: Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (TCMN). Số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy, năm 2011 do chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất và sóng thần kim ngạch nhập khẩu hàng TCMN từ Việt Nam của Nhật Bản có giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên lại tăng ở một số sản phẩm, chủ yếu là các sản phẩm liên quan đến mặt hàng may mặc, sợi với kim ngạch đạt trên 166.784 tỷ Yên, như: thảm trải sàn đạt 1,104 tỷ Yên tăng 73%; đồ gia dụng (đồ gỗ, mây tre, cói) đạt 31,6 tỷ Yên tăng 106%; các sản phẩm từ sợi bông như: túi, vỏ chăn ga gối, khăn thêu…1,8 tỷ Yên tăng 157% so với năm 2010…
Thẳng thắn nhìn nhận về những ưu, khuyết điểm của hàng TCMN Việt Nam trên thị trường Nhật Bản, ông Hiroshi Sakamoto, chuyên gia về hàng trang trí nội thất của Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch ASEAN-Nhật Bản (AJC) chỉ rõ: những năm gần đây sản phẩm TCMN của Việt Nam đã có bước chuyển biến rõ rệt cả về chất và lượng. Sản phẩm đã khéo léo thể hiện được những đặc điểm riêng về kỹ thuật, văn hoá, phong cách của người Việt. Đặc biệt, các nhà sản xuất đã sử dụng công nghệ, nguyên liệu thân thiện, gần gũi với môi trường…điều này là một trong những yếu tố rất quan trọng để người tiêu dùng Nhật Bản tin dùng hàng TCMN Việt Nam.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của hàng TCMN Việt Nam hiện vẫn là khâu thiết kế mẫu mã, chất lượng sản phẩm không đồng đều và khó đáp ứng được các đơn hàng lớn. Hơn nữa, công tác tìm hiểu thị trường, marketting…của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Nhật Bản còn “non”, trong khi đó, Nhật Bản lại là thị trường nổi tiếng khó tính, yêu cầu về chất lượng sản phẩm rất cao. Hơn 60% người Nhật theo xu hướng sử dụng sản phẩm cao cấp, không quan tâm nhiều về giá cả, họ chấp nhận bỏ nhiều tiền để được sử dụng những sản phẩm đẹp, tiện ích.
Ông Hiroshi cũng cho biết, với năng lực hiện có, việc thúc đẩy xuất khẩu hàng TCMN vào thị trường Nhật Bản sẽ không quá khó khăn nếu các doanh nghiệp trong ngành chú trọng đúng mức 4 yếu tố: Sản phẩm - giá cả - nơi bán hàng - quảng bá.
Theo đó, về sản phẩm, nhất thiết phải đảm bảo độ đồng đều về chất lượng sản phẩm, “mềm, mịn” là hai yếu tố được người Nhật xem xét đầu tiên khi mua sản phẩm TCMN. Thường xuyên đổi mới mẫu mã, những mẫu mã mang phong cách Châu Âu luôn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Nhật Bản; Về giá cả, nên có sự nghiên cứu kỹ giá cả của tất cả các phân khúc thị trường, theo đó xây dựng mức giá hợp lý trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận. Riêng phân khúc hàng TCMN giá rẻ trên thị trường Nhật Bản, hiện nay Trung Quốc đang chiếm hầu hết tỷ trọng, vì vậy các doanh nghiệp TCMN Việt Nam nên khai thác ở phân khúc thị trường cao cấp hơn; Về phương diện phân phối, Nhật Bản có hệ thống phân phối khá phong phú từ hệ thống cửa hàng tự chọn, tiện ích đến các bách hoá tổng hợp, trung tâm mua sắm… Mỗi hệ thống phân phối có đặc điểm và cách bán hàng riêng, do đó phải hiểu được đặc điểm và nắm được những thay đổi của hệ thống phân phối mới có cách tiếp cận phù hợp; Về phương diện quảng bá, doanh nghiệp nên nỗ lực quảng bá trên các phương tiện thông tin như internet, tờ giới thiệu công ty, youtube…, tận dụng tối đa cơ hội tham gia các hội chợ, triển lãm. “Người tiêu dùng Nhật Bản sẽ rất phấn khởi nếu nhà sản xuất giữ mối liên hệ với họ, cho người tiêu dùng biết được ai làm ra sản phẩm, ở đâu, như thế nào…”, ông Hiroshi nhấn mạnh.
Nhưng điều tối quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu hàng TCMN vào Nhật Bản một cách tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất theo ông Hiroshi, đó chính là tạo ra một thương hiệu vùng. Yếu tố này Việt Nam rất có tiềm năng, ví như ở khu vực Hà Nội có rất nhiều làng nghề, sản phẩm của các làng nghề Hà Nội khá nổi tiếng như: gốm Bát Tràng, thêu Quất Động, mây tre đan Phú Vinh… nếu các doanh nghiệp, làng nghề liên kết với nhau tạo một thương hiệu vùng thì sẽ rất thuận lợi trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Đó cũng sẽ là lời giải hợp lý cho bài toán kinh phí dành cho công tác phát triển thị trường, phát triển thương hiệu của mỗi doanh nghiệp.
Ủng hộ quan điểm “liên kết doanh nghiệp để tạo ra thương hiệu vùng” trong quá trình thúc đẩy xuất khẩu hàng TCMN vào Nhật Bản, ông Nguyễn Tiến Lưu, Phó Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ, làng nghề Hà Nội chia sẻ: trong bối cảnh hội nhập như hiện nay việc liên kết doanh nghiệp để tạo ra sức mạnh tập thể là một xu hướng tất yếu. Đối với ngành TCMN không phải là ngoại lệ, ai cũng biết Nhật Bản là thị trường rất khó tính, để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này đòi hỏi không chỉ về chất lượng, mẫu mã sản phẩm mà khâu markettinh, khâu xây dựng thương hiệu cũng đòi hỏi phải được thực hiện một cách đồng bộ và tốn rất nhiều chi phí. Để giải bài toán này không gì hợp lý hơn là sự liên kết giữa các doanh nghiệp qua đó giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí và quan trọng là các doanh nghiệp sẽ tiến sâu vào thị trường Nhật Bản một cách vững chắc…
Bảo Ngọc