Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ là:
Tôm: Thị trường Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất và chiếm khoảng 27% thị phần trong năm 2013. Năm 2013, kim ngạch đạt 830,997 triệu USD, tăng 82,5% so với năm 2012. Tháng 1 năm 2014, kim ngạch đạt 86,889 triệu USD, tăng 163% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh trong năm 2013 và lần đầu tiên Hoa Kỳ đã vượt qua Nhật Bản và trở thành thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam. Nguyên nhân của việc xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 do: (i) nguồn cung tôm của Việt Nam vẫn ổn định do kiểm soát được dịch bệnh ngay từ năm 2013; (ii) một số nước đã khắc phục được dịch bệnh tôm chết sớm nhưng khả năng phục hồi nguồn cung cũng sẽ mất khoảng 1-2 năm (Thái Lan, Malaysia); (iii) Ấn Độ tuy không gặp dịch bệnh nhưng vụ nuôi chậm hơn Việt Nam 1,5-2 tháng; (iv) Từ tháng 9 năm 2013, Việt Nam thăng lợi trong cả 2 vụ kiện tôm tại thị trường Hoa Kỳ là kiện chông bán phá giá và kiện chống trợ cấp, đây là thuận lợi đối với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Cá tra: Cùng với EU, thị trường Hoa Kỳ là một trong 2 thị trường lớn nhất của cá tra, chiếm khoảng 21 - 22% thị phần. Kim ngạch cá tra năm 2013 đạt 380,757 triệu USD, tăng 6,1% so với năm 2012. Tháng 1 năm 2014, kim ngạch đạt 38,561 triệu USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Cá ngừ: Thị trường Hoa Kỳ là thị trường cá ngừ lớn nhất của Việt Nam và chiếm khoảng 35-36% % thị phần. Kim ngạch năm 2013 đạt 187,416 triệu USD, giảm 23,4% so với năm 2012. Tháng 1 năm 2014, kim ngạch đạt 17,588 triệu USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Cua, ghẹ: Thị trường Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của mặt hàng này và chiếm khoảng 48% thị phần. Năm 2013, kim ngạch đạt 53,923 triệu USD, tăng 4% so với năm 2012. Tháng 1 năm 2014, kim ngạch đạt 4,697 triệu USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhuyễn thể 2 mảnh vỏ: Thị trường Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 3 sau EU, Nhật Bản và chiếm khoảng 7%. Kim ngạch năm 2013 đạt 5,317 triệu USD, giảm 23,3% so với năm 2012. Tháng 1 năm 2014, kim ngạch đạt 0,485 triệu USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Thị trường Hoa Kỳ dẫn đầu của thủy sản xuất khẩu Việt Nam ở 4 mặt hàng là tôm, cá tra, cá ngừ và cua ghẹ. Kim ngạch của xuất khẩu của 4 mặt hàng này chiếm trên 95,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này trong năm 2013, trong đó tôm chiếm 54,7%, cá tra chiếm 25%, cá ngừ chiếm 12,3% và cua ghẹ chiếm khoảng 3,5%. Thị trường Hoa Kỳ năm 2014 đang có những dấu hiệu tích cực, trong khi xét trên toàn cảnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam thì hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong đầu năm 2014 đêu giảm (trừ mặt hàng tôm) thì ở thị trường Hoa Kỳ, các mặt hàng chính xuất khẩu đều tăng trong đó có tôm và cá tra (hai mặt hàng chiếm 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản) có mức tăng trưởng mạnh (tôm tăng 163%, cá tra tăng 44,6%).
Trong 3 thị trường chính của thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản thì thị trường Hoa Kỳ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2013 và đầu năm 2014 (tăng 27,4% trong năm 2013 và 87,8% trong tháng 1 năm 2014) và góp phần quan trọng trong thành tích của xuất khẩu thủy sản Việt Nam (năm 2013 tăng 9,6% và trong tháng 1 năm 2014 tăng 19,9%). Động lực chính của sự tăng trưởng này chủ yếu là do mức tăng trưởng mạnh của mặt hàng tôm và sự hồi phục của nền kinh tế Hoa Kỳ trong năm 2013 và năm 2014.
Thị trường Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Viêt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên đây cũng là thị trường phức tạp nhất và khó khăn nhất về các tranh chấp đối với hai mặt hàng chủ lực của thủy sản xuất khẩu Việt Nam là tôm và cá tra.
Về việc giải quyết các tranh chấp đối với cá tra tại thị trường Hoa Kỳ, sau khi đưa ra quyết định cuối cùng của đợt rà soát lần thứ 8 (POR8) vào tháng 3 năm 2013 với việc lựa chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán biên độ phá giá, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp tục tiến hành đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) cho giai đoạn từ ngày 01/8/2011 đến ngày 31/7/2012. Ngày 04/9/2013, DOC đã đưa ra quyết định sơ bộ cho POR 9, trong đó áp mức thuế đối với doanh nghiệp Việt Nam là từ 0.42 USD/kg – 2.11 USD/kg, mức thuế cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân là do DOC đã chọn In-đô-nê-xi-a làm nước thay thế (trước đây là Băng-la-đét) để tính toán biên độ phá giá khiến mức thuế chống bán phá giá tăng lên rất cao đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Về việc giải quyết các tranh chấp đối với tôm tại thị trường Hoa Kỳ, ngày 10/9/2013, DOC đã ra Quyết định cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 7 (POR7) đối với tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2011 đến 31/1/2012. Trong quyết định này, DOC đã công nhận toàn bộ 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam tham gia POR7 đều không bán phá giá tôm trên trên thị trường Hoa Kỳ. Do đó, 33 doanh nghiệp đều nhận mức thuế 0%. Sau đó, ngày 23/9/2013 Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đã bỏ phiếu phủ quyết quyết định của DOC về kết quả cuối cùng của vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị DOC khởi xướng điều tra đầu năm 2013. Theo ITC, ngành tôm nội địa không hề bị ảnh hưởng gì về vật chất hay đe dọa ảnh hưởng gì về vật chất do việc trợ cấp của Chính phủ các nước xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ. Với kết luận này của ITC thì vụ kiện chống trợ cấp tại Hoa Kỳ sẽ chấm dứt hoàn toàn.
Đây là hai thành công lớn của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp về tôm tại thị trường Hoa Kỳ và nó là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường này tăng mạnh và vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam.
Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu