Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn còn diễn biến rất phức tạp, sự khó khăn đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT). Dưới sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc khắc phục khó khăn để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Triển khai tương đối có hiệu quả hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, tiếp tục tạo đà động viên, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. Góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

 
Chương trình khuyến công 2016 – 2020


Để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư sản xuất kinh doanh một cách bền vững, theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Phát huy tối đa lợi thế nguồn tài nguyên thế mạnh của của tỉnh. Ngày 06/8/2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định sô 1433/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn này là 36.700 triệu đồng để triển khai thực hiện 9 nội dung của hoạt động khuyến công. Trong đó: kinh phí khuyến công quốc gia 26.700 triệu đồng; kinh phí khuyến công địa phương 10.000 triệu đồng.


Kế hoạch khuyến công năm 2015


Năm 2015, công tác khuyến công của tỉnh vẫn tiếp tục ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho cơ sở công nghiệp nông thôn. Theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ 2.900 triệu đồng, trong đó: Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 900 triệu đồng; Nguồn kinh phí khuyến công địa phương 2.000 triệu đồng.


 Triển khai thực hiện kế hoạch 2015


Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia: Trung tâm khuyến công đã triển khai thực hiện hỗ trợ 03 đề án. Trong đó: hỗ trợ 02 đề án Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, tổng kinh phí 700 triệu đồng; hỗ trợ 01 đề án Ứng dụng máy móc thiết bị, kinh phí 200 triệu đồng. Đến hết tháng 9 năm 2015 hoàn thành nghiệm thu 02 đề án, tổng kinh phí hỗ trợ 550 triệu đồng (01 đề án Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, kinh phí 350 triệu đồng; 01 đề án Ứng dụng máy móc thiết bị, kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng).


Nguồn kinh phí khuyến công địa phương thực hiện hỗ trợ 18 đề án với tổng kinh phí 1.616 triệu đồng, trong đó: hỗ trợ 16 đề án Ứng dụng máy móc thiết bị, tổng kinh phí 1.370 triệu đồng; hỗ trợ 01 đề án Phát triển sản phẩm CNNT, kinh phí 124 triệu đồng; hỗ trợ 01 đề án Nâng cao năng lực quản lý, kinh phí 122 triệu đồng và các nội dung hoạt động khuyến công khác 384 triệu đồng. Đến hết tháng 9 hoàn thành nghiệm thu 14 đề án Ứng dụng máy móc thiết bị, tổng kinh phí hỗ trợ 1.145 triệu đồng và hoạt động khuyến công khác 135 triệu đồng.


Mặc dù mức hỗ trợ kinh phí mỗi đề án khuyến công không lớn nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, tạo công ăn việc cho người lao động, cải thiện đời sống xã hội, giảm các tệ nạn xã hội khu vực nông thôn, góp phần thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo của Đảng, của Nhà nước. Nhờ giải quyết tốt mối quan hệ về lao động, việc làm góp phần tăng thu nhập cho người lao động trong ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới, phát triển. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT thêm vững tin vào định hướng sản xuất đã chọn, thấy được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, đồng thời thu hút các đối tượng đang còn do dự mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.


Song song với công việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2015. Trung tâm khuyến công cũng đã tích cực triển khai xây dựng kế hoạch năm 2016 với tổng kinh phí xin hỗ trợ 3.900 triệu đồng. Trong đó: nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 1.900 triệu đồng hỗ trợ cho 04 đề án; nguồn kinh phí khuyến công địa phương 2.000 triệu đồng hỗ trợ cho khoảng 15 – 20 đề án và các hoạt động khuyến công khác.


Để hoàn thành kế hoạch năm 2015, triển khai có hiệu quả hoạt độn khuyến công trong thời gian tới Trung tâm Khuyến công tập trung thực hiện các giải pháp:


- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ sở CNNT trong việc tư vấn, hướng dẫn xây dựng, đăng ký kế hoạch khuyến công hàng năm, đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định;
- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc triển khai công tác khuyến công, giúp cho việc hoàn thành đề án đúng tiến độ, công tác thanh quyết toán được chính xác, đúng chế độ đồng thời tạo điều kiện tháo gỡ  khó khăn cho cơ sở;
- Tiếp tục tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, sản xuất để từ đó có những biện pháp hỗ
trợ, giúp đỡ kịp thời cho các doanh nghiệp. Tìm hiểu các thông tin về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết  bị sản xuất để cung cấp và tư vấn cho các cơ sở sản xuất CNNT;
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công trong công tác phát triển CNNT;
- Giữ mối liên hệ thường xuyên với Cục CNĐP – Bộ Công Thương; thường xuyên có sự phối hợp với các sở, ngành, các phòng, ban, các đơn vị liên quan, tạo mối quan hệ tốt; tìm sự đồng thuận để bàn bạc, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ;
- Tăng cường đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ công tác khuyến công cho cán bộ làm công tác khuyến công từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ khuyến công, nhằm triển khai các hoạt động khuyến công đạt hiệu quả hơn;
- Tiếp tục bám sát 6 biện pháp của Sở Công Thương để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.


Ngọc Lan (Sở Công Thương tỉnh Yên Bái)