Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày càng bị thu hẹp. Điều đó làm cho người nông dân vốn chỉ bám vào đồng ruộng để mưu sinh thì nay phải trăn trở tìm các nghề khác tại nông thôn để kiếm sống, hoặc ra các thành phố kiếm việc làm...


Xuất phát từ tình hình đó, nhiều cơ sở dạy nghề của tỉnh Hà Nam như Trường Cao đẳng nghề, Trường Trung cấp nghề, Trung tâm dạy nghề...đã liên tục mở các lớp dạy nghề, từ đó tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động. Phát huy cao độ chức trách và nhiệm vụ của mình, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam từ khi thành lập đến nay (từ năm 2004) đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động tại các cơ cở công nghiệp nông thôn tỉnh Hà Nam.


Hàng năm Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam khảo sát những đơn vị, cơ sở có nhu cầu, xây dựng kế hoạch để mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu của người lao động trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2012, Trung tâm mở 12 lớp đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo cho 420 lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2013, Trung tâm tiếp tục phối hợp với phòng Công Thương/ Kinh tế - Hạ tầng/ Kinh tế các huyện/ thành phố tổ chức 14 lớp học nghề may công nghiệp, hỗ trợ đào tạo cho với 420 học viên là lao động của các công ty: Công ty TNHH may Đại Phong (Phủ Lý); Công ty Cổ phần thời trang GenViet (Duy Tiên); Công ty TNHH may Anh Minh (Kim Bảng); Công ty TNHH Đầu tư thương mại Ngọc Ánh (Lý Nhân); Công ty Cổ phần may và Thương mại Ngân Hà (Thanh Liêm); Công ty may Anh Đức, Công ty Thương mại Đức Lợi (Bình Lục). Việc hỗ trợ này có ý nghĩa tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn; đẩy mạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh của cơ sở công nghiệp nông thôn; giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, khai thác và phát huy được tiềm năng lao động sáng tạo trong dân chúng, duy trì ổn định và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề trong tỉnh, thúc đẩy sản xuất tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hoá, thực hiện thắng lợi


Nhận thức về tầm quan trọng của các dự án đào tạo nghề đối với phát triển công nghiệp nông thôn, trong việc triển khai thực hiện dự án, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam đã chú trọng vào các yếu tố sau:


1. Yếu tố đầu vào: Ngay từ khi thẩm định dự án phải xác định rõ đối tượng thụ hưởng, ngành nghề đào tạo. Đối tượng thụ hưởng là những cơ sở công nghiệp nông thôn được quy định trong Nghị định 45/2012/NĐ-CP có nhu cầu và năng lực thực hiện dự án, đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ quản lý, tổ chức đào tạo lao động. Ngành nghề đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân từng địa phương với đặc trưng riêng của nghề nghiệp đang sinh sống, kết hợp với nhu cầu thực sự của cơ sở công nghiệp nông thôn tại địa phương. Ngành nghề phải được xây dựng trên cơ sở thực trạng cuộc sống của người dân, hiện trạng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, ưu tiên những ngành nghề sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động, phải có sự khảo sát nghiên cứu phân tích và lựa chọn phù hợp, thích ứng.


2. Yếu tố dạy và học: Đây là yếu tố quan trọng bởi có dạy tốt thì mới đảm bảo được tay nghề của học viên sau khi kết thúc khóa học sản xuất được những sản phẩm có chất lượng, mang lại thu nhập cho bản thân. Giáo viên đóng vai trò quyết định trong quá trình dạy học, do đó việc lựa chọn giáo viên với phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học là vấn đề cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề. Tùy theo loại hình đào tạo, lực lượng giáo viên phải được xây dựng lựa chọn thích ứng, có phương pháp dạy học khoa học, cụ thể, là những người có trình độ, có tay nghề kỹ thuật, tâm huyết với nghề và chịu trách nhiệm về nội dung cũng như kết quả đạt được của học viên sau khi kết thúc khóa học. Ngược lại, học viên học nghề phải nhiệt tình học, chú ý lắng nghe và thực hành các kỹ năng từ đơn giản đến phức tạp sao cho thành thạo. Đối tượng học nghề phải là lao động nông thôn, trong độ tuổi lao động, có sức khỏe phù hợp với ngành nghề cần học.


3. Yếu tố địa điểm, nội dung và thời gian đào tạo: Trên cơ sở đặc thù của ngành nghề và đối tượng đào tạo, lựa chọn địa điểm học phải chu đáo, đáp ứng đủ các điều kiện về ánh sáng, độ thông thoáng, được trang bị đầy đủ các phương tiện, đồ dùng học tập đối với các yêu cầu đặt ra. Nội dung và thời gian đào tạo phải phù hợp với từng nhóm đối tượng tại địa phương, nội dung phải rõ ràng, cụ thể.


4. Yếu tố quản lý lớp học: Khi dự án được triển khai phải thành lập Ban quản lý lớp học. Thành viên trong Ban quản lý lớp học sẽ nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình đối với dự án. Ban quản lý có trách nhiệm đề ra nội quy lớp học để các học viên thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng các buổi học; thường xuyên quản lý, đôn đốc, kiểm tra, giám sát lớp học để nắm bắt tình hình chung, từ đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với nguyện vọng của giáo viên, học viên, cũng như những yêu cầu dự án đặt ra.


5. Yếu tố đầu ra của người lao động khi tham gia khóa học nghề: Để đảm bảo việc làm cho người lao động sau khi hoàn thành khóa học, các cơ sở công nghiệp nông thôn phải là đầu mối trong việc tạo ra nguồn nhân lực và cung cấp nguồn nhân lực mang lại lợi ích thực sự cho cả người học nghề và cơ sở sử dụng lao động. Các sở công nghiệp nông thôn sẽ cam kết tiếp nhận học viên vào làm việc hoặc nhận bao tiêu sản phẩm cho học viên sau khi kết thúc khóa học trong khoảng thời gian nhất định, đồng thời phải có những chính sách lao động phù hợp để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.


Năm yếu tố trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc quyết định hiệu quả của các dự án đào tạo nghề. Do đó, quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các dự án đào tạo nghề phải được vận dụng linh hoạt, chú trọng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nghề gắn với nhu cầu các cơ sở công nghiệp nông thôn, gắn với quy hoạch từng địa phương, khảo sát đánh giá đúng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch. Chú trọng chất lượng đào tạo, hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề, từ đó làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, tạo dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.


Nguyễn Thị Nga
Trung tâm KC & XTTM