Năm 2009 là một năm nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và Ngành Công Thương nói riêng. Nhưng nhờ có sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ; sự theo dõi, đánh giá đúng tình hình của các cơ quan tham mưu; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của Bộ Công Thương với các Bộ, ngành hữu quan, với các địa phương trong việc đề ra và thực hiện những giải pháp sát thực; sự chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp trong toàn Ngành, Ngành Công Thương đã có thêm niềm tin vượt qua khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng qua từng tháng, từng quý. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của Ngành Công Thương trong năm 2009.


1. Trong bối cảnh chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, toàn Ngành Công Thương đã tích cực thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế của Chính phủ, nên hoạt động của Ngành đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, sản xuất công nghiệp tăng dần qua từng tháng, cả năm 2009 tăng 7,6% so với năm 2008; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 18,6%; nhập siêu giảm đáng kể so với năm 2007 và năm 2008.

2. Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, đã đi vào hoạt động ngày 22/2, cung cấp những sản phẩm đầu tiên đạt tiêu chuẩn quy định, góp phần giảm nhập khẩu với sản lượng cả năm 2009 khoảng 700 ngàn tấn xăng dầu các loại.

3. Quốc hội Kỳ họp thứ 6, Khóa XII đã ra Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng 2 Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam công suất 4000 MW tại Ninh Thuận, tạo cơ sở pháp lý để phát triển một lĩnh vực năng lượng mới ở nước ta.

4. Thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, ngày 5 tháng 8 năm 2009, Bộ Công Thương đã công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý gồm 207 thủ tục.

5. Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường nội địa và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang được Bộ Công Thương triển khai tích cực trong toàn Ngành, đã góp phần tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ so với năm 2008, góp phần vào tăng trưởng GDP nền kinh tế, tạo nền tảng đổi mới tư duy trong kinh doanh của các doanh nghiệp.

6. Hoạt động đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều công trình, dự án đã đi vào hoạt động, trong đó có dự án sản xuất phân bón tổng hợp Diamonphotphat DAP công suất 330 nghìn tấn/năm, đáp ứng 50% nhu cầu trong nước; dự án Xi măng Quang Sơn công suất 1,5 triêu tấn sản phẩm/năm, với tỷ lệ thiết bị chế tạo trong nước đạt 73%, cao nhất từ trước tới nay v.v...

7. Hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục đạt được nhiều kết quả; một số Hiệp định hợp tác song phương, đa phương đã được ký kết như Asean- Úc- Newzealand; Asean – Hàn Quốc; Asean - Ấn Độ; một số nước tiếp tục công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ như Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Newzealan; Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản chính thức có hiệu lực thực thi từ ngày 1 tháng 10 năm 2009, sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hai nước.

8. Ngày 12 tháng 9 năm 2009, Bộ Công Thương tổ chức vinh danh doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên tại Thủ đô Berlin (CHLB Đức). Bộ đã trao giải thưởng cho 42 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu ở châu Âu. Tiếp đến, trong khuôn khổ Đại hội người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, 15 doanh nhân tiêu biểu ở châu Âu, Hoa Kỳ, Úc cũng đã được trao phần thưởng vinh dự nói trên. Đây được xem là một điểm nhấn nhằm lôi cuốn các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, góp phần phát triển kinh tế nước nhà, theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài.

9. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức Hội nghị toàn quốc về Hội nhập kinh tế quốc tế.

10. Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống của Ngành Công Thương Việt Nam - 14/5, Bộ Công Thương đã khánh thành Di tích lịch sử Bộ Công Thương tại an toàn khu ATK thuộc thôn Đồng Đon, Tân Trào, Tuyên Quang.
 

Nguồn: moit.gov.vn