Với sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện, công tác khuyến công của Bắc Kạn đã được triển khai đạt hiệu quả đáng ghi nhận, trong đó 1 đồng vốn khuyến công quốc gia thu hút tới 11 đồng vốn từ đối tượng thụ hưởng là kết quả tiêu biểu nhất.

Triển khai tốt chương trình

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2014 -2018, Bắc Kạn đã thực hiện được 7/9 nội dung của hoạt động khuyến công. Cụ thể, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Trung tâm) đã tổ chức đào tạo nghề chế biến dong riềng cho 240 lao động, phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đào tạo nghề sản xuất đũa gỗ cho 35 lao động.

Trung tâm cũng đã tổ chức 7 lớp tập huấn đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 275 học viên; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia 14 hội chợ, triển lãm trong và ngoài Tỉnh; hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế bao bì đóng gói cho 28 sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT)…

Tuy nhiên, nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất mới là nội dung chủ đạo, thu được hiệu quả tốt nhất của khuyến công Bắc Kạn giai đoạn vừa qua. Theo đó, Trung tâm đã thực hiện 3 mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gỗ, nông sản và sản xuất tấm lợp cách nhiệt với nguồn kinh phí hỗ trợ 1 tỷ đồng. Đồng thời thực hiện 30 đề án hỗ trợ thiết bị, máy móc với kinh phí hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng.

Theo đánh giá từ đại diện UBND tỉnh Bắc Kạn, mặc dù là tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng do được sự quan tâm hỗ trợ từ Bộ Công Thương, việc phân bổ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia thường xuyên đã phần nào đáp ứng nhu cầu của địa phương. Chương trình khuyến công của Tỉnh cũng đã tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu; hỗ trợ các cơ sở nâng cao công nghệ sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm… Qua đó, giúp các doanh nghiệp CNNT phát triển một cách toàn diện cả về sản xuất, sản phẩm và thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn được tư vấn về định hướng phát triển dài hơi cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo từng năm, từng giai đoạn phù hợp với thực tế của thị trường.

Sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của chương trình khuyến công quốc gia đã thu hút sự quan tâm của các cơ sở, doanh nghiệp CNNT. Chỉ riêng giai đoạn vừa qua, 2,6 tỷ đồng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ đã thu hút hơn 29,3 tỷ đồng vốn đối ứng của các cơ sở, doanh nghiệp CNNT thụ hưởng.

Định hướng dài hơi

Với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng mục tiêu cụ thể cho Chương trình khuyến công đến năm 2020. Theo đó, Tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng 2 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 10 cơ sở đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại; xây dựng và đăng ký thương hiệu cho 4 cơ sở và hỗ trợ thiết kế bao bì cho 15 cơ sở; lập quy hoạch chi tiết cho 1 cụm công nghiệp…

Để hoàn thành mục tiêu này, UBND Tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực tổ chức triển khai thực hiện các đề án khuyến công được giao, xây dựng chương trình khuyến công theo định hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương chính sách của nhà nước để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm nắm bắt và thụ hưởng. Ưu tiên thực hiện các đề án có tính khả thi cao, hiệu quả rõ rệt. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính tiến tới thực hiện dịch vụ hành chính công qua mạng cấp độ 3 để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân đăng ký thực hiện chương trình khuyến công.

UBND Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện triển khai các đề án khuyến công, phát hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm hoàn thành đúng tiến độ.

Được biết, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã xây dựng định hướng hoạt động khuyến công của Tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 nhằm tạo nền tảng cơ bản nhất cho chương trình khuyến công giai đoạn tới. Theo đó, Bắc Kạn đặt những mục tiêu khá tham vọng cho công tác khuyến công với việc triển khai 20 đề án khuyến công quốc gia, tổng kinh phí thực hiện 6 tỷ đồng; 100 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí thực hiện 5 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu trên, đại diện UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đề xuất: Bộ Công Thương cấp thêm kinh phí hỗ trợ cho các đề án khuyến công quốc gia triển khai tại các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn; thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ khuyến công, tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu…

 

CTV