Đây là nghề có từ xa xưa được người dân khôi phục và phát triển rộng rãi trên địa bàn. Hơn 700 lao động trong thôn làm nghề mây tre đan trong các hợp tác xã, công ty, tổ hợp sản xuất, gia đình, duy trì hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nhiều loại mặt hàng, bảo đảm việc làm cho hầu hết lao động tại địa phương. Phát triển làng nghề truyền thống Xuân Hội hướng tới các sản phẩm có kỹ thuật cao cũng là định hướng của hoạt động khuyến công tại tỉnh Bắc Ninh trong việc đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho lao động tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.
Nghề mây tre đan có tự bao giờ, người dân của thôn Xuân Hội không ai nhớ nữa. Mọi người chỉ biết rằng đây là một nghề truyền thống của làng. Cha, mẹ dạy lại cho các con và hầu hết người dân Xuân Hội đều biết đan mây tre. Đã từng có thời kỳ nghề mây tre đan bị mai một, nhưng với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và người dân địa phương, những năm 1990 nghề được khôi phục và phát triển trở lại. Trước kia, các sản phẩm chủ yếu chỉ là vật dụng gia đình đơn giản như: Quạt nan, giỏ đựng phích bằng nan tre, bình đựng ấm trà… Hiện nay, theo xu thế của thị trường, nghề mây tre đan Xuân Hội đã phát triển đa dạng với các mặt hàng: Lẵng hoa, làn hoa, ấm đựng tích nước, bình hoa, khay đựng chén trà,…không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nga.
HTX mây tre đan Phùng Hưng là một trong 2 cơ sở lớn trong thôn, chuyên cung cấp vật tư nguyên liệu, mẫu mã các loại sản phẩm và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Để nâng cao tay nghề và truyền nghề một cách hệ thống, hợp tác xã mây tre đan Phùng Hưng đã tổ chức nhiều khoá đào tạo nghề cho phụ nữ trên địa bàn. Người học không phải trả học phí, hàng tháng mức lương được tính theo năng suất của sản phẩm. Các lớp học thu hút đông đảo người dân tham gia, vừa tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Kết thúc khoá học, các học viên lại tiếp tục tham gia làm hàng cho HTX.
Nghề đan mây tre không kén lao động bởi bất kỳ ai, từ người già đến con trẻ nếu chăm chỉ cũng có thể học và đan được các sản phẩm mây tre đơn giản. Tuy nhiên, để làm ra các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, tạo được sự tín nhiệm và ưa thích của người tiêu dùng thì đòi hỏi người thợ thủ công ngoài tay nghề khéo léo, kỹ thuật cao, họ còn phải luôn sáng tạo được những mẫu mã riêng biệt.
Anh Đặng Ngọc Phùng, giám đốc HTX mây tre đan Phùng Hưng tại thôn Xuân Hội chia sẻ: Đối với thị trường nước ngoài để xuất khẩu, ngoài việc luôn đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, HTX phải luôn tìm những mẫu mã mới để áp dụng. Trong những năm qua HTX đã thường xuyên được Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh tư vấn, hỗ trợ về nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu…; đồng thời, tổ chức những lớp tập huấn hoặc hỗ trợ kinh phí để đào tạo nâng cao tay nghề cho các lao động đang trực tiếp sản xuất và những lớp thợ trẻ về kiến thức kỹ thuật để tiếp nối nghề sau này.
Vùng quê Xuân Hội, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh đang trên đà phát triển khởi sắc với nghề sản xuất sản phẩm mây, tre đan xuất khẩu được thị trường thế giới ưa chuộng. Từ vị trí nghề phụ, thu nhập từ đan mây tre xuất khẩu đã trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Không chỉ người trong độ tuổi lao động mà cả người già, học sinh cũng có thể tham gia làm nghề. Đan mây tre có thể làm bất kỳ thời gian nào trong ngày, có thể tranh thủ thời gian nông nhàn làm tại nhà. Hiện nay, các sản phẩm thô được sản xuất tại các hộ gia đình, sau đó sản phẩm được chuyển đến hợp tác xã và công ty để làm các công đoạn hoàn thiện đòi hỏi kỹ thuật cao như giũ keo, quét dầu bóng… Đến nay, số hộ nghèo trong thôn Xuân Hội đã giảm hẳn, số hộ khá giả, có cuộc sống ổn định ngày càng tăng cao. Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho mọi mặt đời sống văn hoá, xã hội phát triển.
Làng nghề Xuân Hội đang khởi sắc, phát triển mạnh mẽ, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế chung của địa phương. Những chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất như: Hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, đưa các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường quốc tế … đã tạo điều kiện cho các cơ sở yên tâm sản xuất và phát triển làng nghề Bắc Ninh theo hướng bền vững./.
CTV