Mục tiêu của tỉnh Bắc Ninh là phấn đấu đến năm 2010 có thêm từ 8-10 làng nghề mới, đến năm 2015 phấn đấu 40-50% xã hiện chưa có làng nghề (73 xã) ít nhất có một làng nghề sản xuất TTCN dịch vụ (theo đúng tiêu chí của Bộ NN và PTNT) để đưa tổng số xã có làng nghề trên địa bàn tỉnh lên 64-71 xã và đưa số làng nghề lên 91-98 làng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội ở mỗi địa phương.


Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, nhiều năm qua, công tác khuyến công của Bắc Ninh đã góp phần tích cực vào nhân cấy các nghề mới ở các địa bàn nông thôn, khôi phục lại các làng nghề, giải quyết việc làm cho người nông dân. UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Sở Công Thương thực hiện những chính sách hỗ trợ trong công tác khuyến công như đào tạo nghề cho nông dân ở các làng nghề đã có sẵn và nhân cấy các nghề mới. Thời gian qua, Trung tâm khuyến công đã đào tạo được hơn 1.000 lao động với các ngành nghề như: mây tre đan, thêu tranh, lục bình, thảm ngô, dệt, may... Sau khoá học, 70% số học viên được tuyển vào làm việc tại các doanh nghiệp, công ty, các HTX, số còn lại làm việc tại các hộ gia đình. Mức thu nhập bình quân từ 700.000 đến 1.000.000 đồng/người/ tháng. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều phát triển manh mún, cơ sở sản xuất ở lẫn trong dân, nhiều làng ô nhiễm môi trường. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho khuyến công hiện nay còn hạn chế nên rất khó khăn trong việc nhân cấy các nghề mới xuống các hộ nông dân vùng nông nhàn. Công tác đào tạo, truyền nghề bộc lộ nhiều hạn chế như đầu tư ít, thời gian học ngắn, tay nghề của người lao động chưa cao dẫn đến một số sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu làm hàng xuất khẩu. Chưa kể ngành nghề đào tạo còn đơn giản, thu nhập người lao động còn ở mức thấp... Bên cạnh đó, do bộ máy làm công tác khuyến công còn mới mẻ, số lượng ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên chưa phát huy được những lợi thế mà địa phương có, cũng như chưa truyền bá được nhiều thông tin về công nghệ, khoa học kỹ thuật, các nghề mới về địa phương.

Việc sử dụng lao động nông nhàn ở các làng nghề mới dừng lại ở quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu theo mô hình HTX, các hình thức sản xuất còn manh mún. Theo ông Bùi Vĩnh Kiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, để tạo được sự bền vững cho du nhập nghề mới vào nông thôn thì cần gắn nhân cấy nghề với các doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách cụ thể, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vào các chương trình, dự án khuyến công. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển làng nghề và các cụm công nghiệp, tạo cơ sở vật chất, hạ tầng cho các chương trình khuyến công hoạt động đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, đối với sản phẩm của các làng nghề thì thị trường nội địa là rất quan trọng nhưng vẫn cần hướng tới xuất khẩu. Trong khi hiện nay hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của địa phương đều phải thông qua trung gian. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm mọi giải pháp giảm chi phí trung gian ở mức thấp nhất để tăng cường hiệu quả sản phẩm. Mặt khác, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường châu Âu cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong giao dịch cũng như tạo uy tín và thương hiệu. Được biết, hiện nay Bắc Ninh đang xây dựng, khuyến khích công nhận “nghệ nhân”, công nhận “làng nghề” để tôn vinh những người có công, những bàn tay vàng trong làng nghề và tạo ra thương hiệu cho sản phẩm của địa phương, đồng thời tạo điều kiện quảng bá hình ảnh của làng nghề với thị trường quốc tế. Thực hiện đào tạo, nhân cấy nghề mới theo phương châm có địa chỉ, kết hợp giữa 3 yếu tố: Nhà nước-đơn vị sản xuất-doanh nghiệp; dựa trên đặc điểm, tiềm năng từng vùng, chú trọng các nghề có sản phẩm kỹ thuật cao phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu tạo nên sự phát triển bền vững cho các làng nghề.
 

CTV.Hải Bắc