Nhằm khuyến khích, động viên các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng uy tín sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có khả năng cạnh tranh; giới thiệu, quảng bá hình ảnh và uy tín của thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài, tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài tìm hiểu và xúc tiến thương mại với doanh nghiệp Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hơn nữa nhận thức về bảo vệ, xây dựng uy tín của mình trong kinh doanh thương mại thời kỳ hội nhập, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng với các Bộ, ngành hữu quan tổ chức xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2007”.

Hoạt động của chuyên mục “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) tổ chức đã được thực hiện từ năm 2004 đến năm 2006. Qua 3 năm triển khai, hoạt động này đã đóng góp tích cực cho công tác tuyên truyền quảng bá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, được giới doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” được các cơ quan đại diện kinh tế thương mại, ngoại giao nước ngoài sử dụng để phục vụ công tác xúc tiến thương mại với Việt Nam. Các cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện việc quảng bá danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” và sử dụng làm nguồn tin chính thức để xúc tiến thương mại.

Đối tượng xét chọn là các doanh nghiệp được thành lập theo luật pháp Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu một trong các mặt hàng sau: gạo, cà phê, cao su (gồm cao su nguyên liệu và cao su thành phẩm), hạt tiêu, hạt điều, chè các loại, rau củ quả, sản phẩm thịt, thủy hải sản, sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nhựa, điện tử và linh kiện điện tử, dây điện và cáp điện, vật liệu xây dựng, sản phẩm cơ khí, dược và thiết bị y tế, túi xách, ví, vali, mũ và ô dù.

Tiêu chí xét chọn: Doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, có lãi trong 2 năm 2005, 2006; Không vi phạm pháp luật, không bị đối tác trong nước và nước ngoài khiếu kiện về kỹ thuật thương mại, thương phẩm; thực hiện nghiêm túc hợp đồng xuất khẩu, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển xuất khẩu, đến uy tín của giới doanh nhân Việt Nam; Có kim ngạch xuất khẩu năm 2006 của các mặt hàng xuất khẩu đạt mức tối thiểu là:

1. Gạo: 6 triệu USD;
2. Cà phê: 10 triệu USD;
3. Cao su: + cao su nguyên liệu: 5 triệu USD;
+ cao su thành phẩm: 2 triệu USD;
4. Hạt tiêu: 4 triệu USD;
5. Hạt điều: 6 triệu USD;
6. Chè các loại: 1 triệu USD;
7. Rau củ quả: 2 triệu USD;
8. Sản phẩm thịt: 1 triệu USD;
9. Thủy sản: 10 triệu USD;
10. Sản phẩm gỗ: 8 triệu USD
11. Dệt may: 15 triệu USD;
12. Giày dép: 20 triệu USD;
13. Thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, mây tre, cói dừa, thêu ren ...): 2 triệu USD;
14. Sản phẩm nhựa: 3 triệu USD
15. Điện tử và linh kiện điện tử: 10 triệu USD
16. Dây điện và cáp điện: 5 triệu USD;
17. Vật liệu xây dựng: 3 triệu USD
18. Sản phẩm cơ khí: 3 triệu USD
19. Dược và thiết bị y tế: + Thiết bị y tế: 1 triệu USD;
+ Dược: 0,5 triệu USD;
20. Túi xách, ví, va li, mũ và ô dù: 3 triệu USD.

Bộ Công Thương tổ chức xét chọn. Kết quả xét chọn sơ tuyển được công bố công khai trên trang web của Bộ Công Thương để tham khảo ý kiến công luận trong thời gian 30 ngày. Danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2007” được công bố chính thức trên các trang web của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Mai Thuỷ