Ngày 18/11, trong chương trình của kỳ hợp thứ 6, Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã dành trọn buổi sáng để nghe các đại biểu chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong chương trình chất vấn của kỳ họp lần này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất chỉ sau Thủ tướng Chính phủ. Tại nghị trường, các nội dung chất vấn liên quan đến nhiều vấn đề "nóng" mà cử tri cả nước quan tâm đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời thẳng thắn với tinh thần cầu thị cao.

Kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn “nóng”

Mở đầu cho phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Lê Thanh Liêm (Long An) đặt vấn đề "nghi ngờ" mục đích của Quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo năm 2008. “Ngoài yếu tố được nhấn mạnh là vì an ninh lương thực… tôi muốn hỏi thêm Bộ trưởng là còn nguyên nhân nào khác nữa không?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời, đây vẫn luôn là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Bộ trưởng thẳng thắn: “Việc tạm dừng xuất khẩu gạo năm 2008, ngoài nguyên nhân khách quan là do vụ Đông- Xuân năm 2008 miền Bắc bị đợt rét đậm, rét hại kéo dài, khả năng dự báo về việc được mùa hay mất mùa rất bấp bênh. Vì thế để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Chính phủ đã có điều hành tạm dừng việc ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới, cho đến khi có khả năng chắc chắn về tình hình thu hoạch vụ Đông-Xuân.

Tiếp tục nội dung chất vấn, đại biểu Lê Thanh Liêm đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình xung quanh việc thành lập công ty con của Tổng công ty lương thực miền Nam (VinaFood 2) ở Singapore.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, VinaFood 2 là đơn vị thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy vậy, với tư cách là một thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, theo quy định của luật pháp Việt Nam là không những khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà chúng ta cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.

“Vì thế, theo quan điểm của chúng tôi, việc VinaFood 2 thành lập một doanh nghiệp của mình ở nước ngoài không phải riêng ở Singapore mà có thể sau này ở những nước khác nữa là phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và phù hợp với quy định của pháp luật”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Cũng liên quan đến vấn đề lương thực, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đặt câu hỏi: “Sắp tới nếu Chính phủ có ban hành chủ trương mua lúa tạm trữ thì Bộ có giải pháp nào để doanh nghiệp trực tiếp mua lúa của nông dân?” .

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Hiện có 250 doanh nghiệp trên địa bàn cả nước tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng trong đó chỉ tập trung vào 11 doanh nghiệp lớn, chiếm 70% lượng gạo xuất khẩu, còn lại 137 doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa chỉ xuất chiếm 13%. Việc có nhiều doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu gạo đã góp phần vào tiêu thụ hết sản phẩm lúa gạo cho nông dân, nhưng mặt trái là có những doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo, không có kho tàng để trữ gạo cũng tham gia nên dẫn đến tình trạng chỗ này chỗ kia có thể chênh mua, chênh bán, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác hoặc thiệt hại cho quyền lợi của người nông dân.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định thay thế cho Nghị định về kinh doanh xuất nhập khẩu gạo hiện hành với tinh thần thắt chặt hơn hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng coi hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đăng ký, phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Trong đó quy định phải có hệ thống kho tàng để trữ gạo ít nhất là 20 ngày.

Giá bán các sản phẩm sữa: Tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý

Xung quanh việc giá sữa trong nước quá cao so với các quốc gia khác, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi: Trên thị trường sữa hiện nay đã xuất hiện rất nhiều sữa giả, sữa không đảm bảo chất lượng, giá sữa cùng loại ở Việt Nam tăng cao hơn so với các nước trong khu vực, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo những gì trong thời gian qua và giải pháp gì trong thời gian tới để giải quyết vấn đề này?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Hoàng cho biết: Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là khu vực châu Á Thái Bình Dương xem xét và đánh giá lại xem có đúng là sữa Việt Nam hiện nay giá cao nhất trong khu vực hay không. “Qua thông tin các thương vụ Việt Nam tại một số nước trong khu vực cung cấp lại cho chúng tôi, xin khẳng định lại với Quốc hội, giá sữa của chúng ta không phải ở mức cao nhất trong khu vực.

Về giải pháp quản lý giá sữa, Bộ trường cho biết: Chúng ta đã có Pháp lệnh Giá với quy định việc tăng giá sữa không được thực hiện liên tiếp trong 20 ngày. Vừa qua, một số doanh nghiệp kinh doanh sữa đã lợi dụng quy định này để tăng giá một cách không có cơ sở, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. “Đây là một bất cập”- Bộ trưởng thừa nhận.

“Khi sản phẩm được lưu thông trên thị trường thì đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Y tế với các bộ các ngành tăng cường kiểm tra để phát hiện những hành vi lợi dụng việc khan hiếm, lợi dụng việc giá cả tăng để trục lợi”- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong 9 tháng qua cũng đã phát hiện một số vụ vi phạm các quy định Pháp lệnh về giá đối với sản phẩm sữa và tăng giá không đúng quy định, các cơ quan đã xử phạt, tuy nhiên các bộ, ngành sẽ phối hợp tiếp tục tăng cường kiểm tra, trong đó đầu mối là Bộ Công Thương.

Kinh doanh xăng dầu: Đã có công cụ quản lý hữu hiệu

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt vấn đề khá dí dỏm: “Cử tri cho rằng giá xăng thế giới tăng, trong nước giá xăng tăng rất kịp thời, tuy nhiên khi giá xăng thế giới giảm thì giá xăng trong nước giảm rất chậm. Giải pháp của Bộ Công Thương để thị trường xăng dầu hoạt động một cách lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng?".

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong thời gian qua, giá xăng dầu có nhiều biến động nên Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính nghiên cứu để trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu. Sau một thời gian Chính phủ đã ban hành Nghị định 84 sửa đổi bổ sung Nghị định 55 với một số điểm thay đổi rất cơ bản, theo hướng:

Thứ nhất, cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đủ điều kiện thì đều được phép hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, riêng đối với doanh nghiệp nước ngoài thì thực hiện theo lộ trình cam kết khi chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

Thứ hai, coi việc kinh doanh xăng dầu là một loại hình kinh doanh có điều kiện, phải thực hiện việc đăng ký. Với hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì đầu mối sẽ do Bộ Công Thương quản lý; hoạt động sản xuất xăng dầu thì các địa phương cấp phép theo quy hoạch và theo quy định về đầu tư. Còn việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho hệ thống bán lẻ thuộc trách nhiệm của UBND các địa phương và uỷ quyền cho Sở Công Thương.

Thứ ba, về giá, sẽ thiết lập quỹ bình ổn giá để khi có biến động giá lớn thì doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn này điều chỉnh giá xăng dầu; quy định rất rõ: nếu giá thị trường thế giới tăng dưới 7 % thì doanh nghiệp được quyền quyết định việc tăng, nếu tăng từ 7% - 12% thì doanh nghiệp được quyền quyết định điều chỉnh giá tăng 7%, còn khoảng chênh từ 7 đến 12% thì 60% là doanh nghiệp được quy định tăng giá, 40% còn lại được sử dụng từ quỹ bình ổn giá để đảm bảo cho giá tăng không quá lớn.

Ngoài ra, thời gian giữa hai lần tăng giá tối thiểu là 10 ngày, nếu có diễn biến bất thường mà giá xăng dầu vượt trên 12% thì Chính phủ sẽ sử dụng biện pháp điều chỉnh, can thiệp.

“Tôi nghĩ rằng, với tinh thần Nghị định 84 sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về giá xăng dầu, trong đó có quy chế điều hành linh hoạt để người tiêu dùng có thể kiểm soát được việc các cơ sở kinh doanh xăng dầu nếu cố tình có hành vi trục lợi cho mình và gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì sẽ có biện pháp chế tài” Bộ trưởng kết luận.

Khai thác, chế biến khoáng sản: Cần thiết nhưng sẽ hết sức thận trọng

Xung quanh lĩnh vực khá nhạy cảm này, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đặt vấn đề, việc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) trình Chính phủ cho khai thác thí điểm mỏ than sông Hồng, Bộ trưởng thừa nhận việc khai thác sẽ có tác động nhất định đến môi trường và có khả năng làm lún sụt mặt đất, tác động ảnh hưởng đến nước mặt, nước ngầm vì tầm nước ngầm nằm trong khoảng 150- 250 mét, trong khi đó chúng ta khai thác than ở độ sâu là 350 đến khoảng 650m nên sẽ hạn chế ảnh hưởng.

Đại biểu Vũ Quang Hải nêu câu hỏi, vì sao một dự án quan trọng như vậy lại rất hạn chế thông tin đối tới các cơ quan dân cử, đặc biệt là các cử tri. Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao lại giao cho một cơ quan của TKV đảm nhiệm trong khi vấn đề rất hệ trọng? Tại sao không lập một cơ quan cấp Nhà nước để giải quyết toàn bộ những việc liên quan?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời câu hỏi của đại biểu Hải: Theo tài liệu địa chất hiện có, chủ yếu do Tổng cục địa chất (nay là Cục Tài nguyên khoáng sản của Bộ Tài nguyên và môi trường) lập, và qua công tác thăm dò, điều tra của TKV, bể than đồng bằng sông Hồng được đánh giá là có tiềm năng rất lớn về tài nguyên, dự báo là khoảng 210 tỷ tấn, gấp khoảng 20 lần so với trữ lượng than ở vùng bể than Quảng Ninh. Mặc dù chất lượng than không cao nhưng phù hợp cho sản xuất điện, xi măng. Theo đánh giá bước đầu thì với trình độ công nghệ như hiện nay chúng ta có thể khai thác khoảng độ 1/3 trong số này tức là khoảng 60 tỷ tấn.

Bộ trưởng nói: “Tôi nghĩ rằng, câu chuyện than ở đồng bằng sông Hồng vừa qua, chúng ta mới đang ở giai đoạn nghiên cứu và nếu thấy có cơ sở thì làm thí điểm nhỏ. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, dự án nếu làm thí điểm thì không phải chỉ giao cho một đơn vị của TKV mà Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương làm đầu mối chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương có liên quan. Các bộ, các ngành xem xét, thẩm định đề án về quy hoạch than đồng bằng sông Hồng... “Tôi xin khẳng định, đến giờ phút này, Chính phủ chưa có bất cứ một quyết định nào về khai thác than đồng bằng sông Hồng, mới đang ở giai đoạn nghiên cứu và xem xét đề án thử nghiệm”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
 

Báo Công Thương