Để giải quyết khó khăn đối với sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, tỉnh Cà Mau đang tập trung huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp, đồng thời ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng hệ thống giao thông các vùng sản xuất nguyên liệu trọng điểm, cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật các khu công nghiệp đã quy hoạch để thu hút đầu tư.
 
       Cùng với đó, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, chú trọng thị trường nội địa; đào tạo nguồn lao động và bố trí, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao, phục vụ phát triển công nghiệp. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau để tạo đà phát triển công nghiệp của địa phương, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
 
       Từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Cà Mau đạt 2.190 tỷ đồng, bằng 19,1% kế hoạch, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2008. Nguyên nhân do khủng hoảng kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu hàng hóa thủy sản của tỉnh Cà Mau, nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến thiếu nghiêm trọng, không ổn định về số lượng, chất lượng và giá cả, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, nhất là những thị trường lớn như: Mỹ, Nhật… dẫn đến kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch. Hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư sản xuất kinh doanh với quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ không cao; đội ngũ công nhân kỹ thuật chuyên ngành, thợ lành nghề và chuyên môn sâu chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, do nhiều nguyên nhân, khả năng thu hút đầu tư của tỉnh Cà Mau còn nhiều hạn chế./.
 
                                                     Lê Huy Hải