Hiện ngành thủ công mỹ nghệ thu hút khoảng 1,5 triệu lao động, mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Việc xây dựng thương hiệu cho nhóm hàng này được xem là yếu tố tiên quyết đến khả năng phát triển và cạnh tranh.


Tuy nhiên quy mô sản xuất của một số làng nghề vẫn còn nhỏ lẻ và chưa có quy hoạch định hướng cụ thể, do vậy dẫn tới hiện tượng hàng giả hàng nhái xuất hiện khiến mất uy tín làng nghề.


Nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn huyền thoại, làng đá mỹ nghệ Non Nước đã có lịch sử mấy trăm năm hình thành, phát triển và được biết đến như là một trong những làng nghề sớm nhất, lâu đời nhất ở Đà Nẵng. Dù thăng trầm, có lúc chỉ còn vài chục hộ bám nghề, đến lúc phát triển có đến 400 hộ làm nghề điêu khắc và kinh doanh đá mỹ nghệ thì tiếng tăm của làng nghề vẫn theo một kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” chứ chưa có một chiến lược nào để xây dựng thương hiệu.


Theo Ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội làng nghề Đá mỹ nghệ Non Nước, TP. Đà Nẵng: Do quảng bá của ta có giới hạn, bởi chi phí tốn kém, kinh doanh mà không có thương hiệu thì rất khó làm, nhưng mà làm thương hiệu thế nào thì phần lớn các doanh nghiệp chưa được hướng dẫn cụ thể.


Thực tế những tác phẩm đá nghệ thuật có thể được nhìn thấy ở những nơi công cộng, những công trình văn hóa, trong từng gia đình cũng thường có những sản phẩm lưu niệm bằng đá như một kỷ niệm đáng nhớ của làng đá mỹ nghệ non nước, nhưng dù có phổ biến, thân thuộc như vậy, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề thì hẳn không phải là một điều dễ dàng


Hiện nay, hầu như không thể có con số doanh thu chính xác của làng nghề đá Non Nước, bởi lẽ, phần lớn các sản phẩm ở đây được xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp trung gian. Xây dựng thương hiệu tầm quốc gia đang là điều còn bỏ ngỏ, dù tiếng tăm làng nghề không phải ít.


Ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội làng nghề Đá mỹ nghệ Non Nước cho biết: Hiện có mấy chục ha để quy hoạch để làm làng nghề, đã có BQL làng nghề, trở thành khu công nghiệp vừa và nhỏ, trong đó trước là sản phẩm nhỏ và cầm tay thôi, nhưng giờ là những sản phẩm lớn, đóng hàng container đi các nước, nhưng không thấy ai thắc mắc kiện cáo gì thương hiệu nên cũng hơi ỷ lại…


Năm 1990, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia. Năm 2013, có 3 nghệ nhân của làng nghề được Chủ tịch nước công nhận là nghệ nhân ưu tú. Năm 2014, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, và điều quan trọng nhất là sản phẩm làng nghề ở đây đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước. Đây là những điều kiện thuận lợi cho làng nghề này hướng đến xây dựng thương hiệu tầm quốc gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ./.


CTV