Theo Báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bạc Liêu (Trung tâm), tính từ năm 2009 đến cuối năm 2012 bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia Trung tâm đã triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại trong sản xuất cho 8 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: chế biến thủy sản, chế biến muối thực phẩm, xay xát lúa gạo, cơ khí…, với số tiền 610 triệu đồng; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 2 cụm công nghiệp với số tiền 480 triệu đồng. Cùng với khuyến công quốc gia, nguồn kinh phí khuyến công địa phương cũng góp phần đáng kể.
Giai đoạn 2009 đến cuối năm 2012 kinh phí khuyến công địa phương đã đóng góp 1,716 tỷ đồng cho các hoạt động khuyến công trên các lĩnh vực: đào tạo nghề, khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, huấn luyện an toàn máy móc thiết bị công nghiệp, an toàn điện,… và hỗ trợ kinh phí ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho hợp tác xã, làng nghề, doanh nghiệp. Trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu là ngành nghề chủ lực của tỉnh Bạc Liêu, công tác khuyến công của Trung tâm đã tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động: tổ chức mở 80 lớp đào tạo nghề cho 13 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh (chương trình đào tạo được thực hiện từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia) cho 2.400 lao động với số tiền 1,44 tỷ đồng. Hầu hết, học viên tham gia lớp đào tạo xong đều có việc làm ổn định và thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Từ kết quả trên cho thấy công tác khuyến công trong những năm qua đã giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương và thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội; khuyến khích thúc đẩy các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển sản xuất, duy trì phát triển vượt qua khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Đồng thời, đã thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, sản lượng chế biến trong năm 2012 đạt 32.286 tấn chiếm tỷ lệ 121,84% so kế hoạch tăng 15,89% so cùng kỳ năm 2011 (trong đó: tôm đông lạnh đạt 29.656 tấn, thủy sản khác đạt 2630 tấn).
Mặc dù đạt được những kết quả đáng phấn khởi trong thời gian qua nhưng công tác Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp của Bạc Liêu vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: việc phê duyệt các chương trình, kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương hàng năm còn chậm, đã làm cho đơn vị gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công còn thiếu, trụ sở và phương tiện làm việc chưa đầy đủ cho nên việc bám sát cơ sở và đảm đương các nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn đều chưa có; sự nhận thức của một số địa phương, tổ chức và cá nhân còn chưa đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công trong phát triển CN-TTCN nên quá trình triển khai thực hiện các chương trình kế hoạch, đề án khuyến công còn hạn chế.
Để hoạt động khuyến công là động lực thúc đẩy phát triển CN-TTCN nói chung, ngành nghề chế biến thủy sản nói riêng cần phải có sự chỉ đạo, tham gia của các ngành, các cấp và các địa phương nhằm góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế cơ cấu lao động, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 06/12/2011 của BCH Đảng Bộ tỉnh “Về đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”.
CTV.