Giai đoạn 2011 – 2015, Công nghiệp - Thương mại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước phát triển vững chắc


Giá trị sản xuất công nghiệp (tính cả dầu khí) đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,54%/năm; trong đó, năm 2015 dự kiến đạt 316.338 tỷ đồng, tăng gấp 1,19 lần so với năm 2010; công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng cao nhất (8,51%/năm), điển hình là: phân NPK tăng 33,03%/năm, dầu thực vật 66,81%/năm, nhựa 12,8% /năm,… một số ngành sản xuất sản phẩm đầu vào công nghiệp (thép, nhựa, hóa dầu, cơ khí) được lựa chọn để trở thành ngành công nghiệp chủ lực phục vụ cho chuỗi sản xuất công nghiệp hiện đại.


Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra (giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo). Trong đó, công nghiệp chế biến có tỷ trọng tăng dần từ 41,15% năm 2010 lên 52,01% năm 2015; khai thác, cung cấp và xử lý nước tăng từ 0,23% năm 2010 lên 0,25% năm 2015; công nghiệp khai khoáng giảm từ 49,64% năm 2010 xuống còn 40,87% năm 2015; sản xuất phân phối điện, khí đốt giảm từ 8,98% năm 2010 xuống còn 6,87% năm 2015. Cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh đã chuyển căn bản từ kinh tế nhà nước sang kinh tế ngoài nhà nước, bao gồm khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.


Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, ngoài những sản phẩm chủ lực như: Dầu thô, khí đốt, điện, thép, phân bón, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản… đã có thêm nhiều sản phẩm mới như: Xi măng, dầu ăn, dầu điều, cơ khí, tháp gió, phân đạm, nhựa các loại, da thuộc, vải giả da, bia, sợi, pha chế xăng, cấu kiện kim loại…


Trong 5 năm 2011-2015,  tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lựa chọn được 12 dự án sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, có sức lan tỏa thu hút công nghiệp hỗ trợ và các dự án khác, gồm: Nhà máy sản xuất hợp chất Zirconium Việt Nam, Nhà máy sản xuất khí công nghiệp và khí y tế Linde Việt Nam, Nhà máy Mỹ Xuân, Nhà máy sản xuất sợi, vải Haosheng Vina, Nhà máy sợi Dunatex, Xưởng Pha trộn hóa phẩm chuyên dụng phục vụ ngành công nghiệp dầu khí, Nhà máy dệt Tah Tong Việt Nam, Công ty TNHH Bột mì CJ-SC Toàn Cầu, Nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời, Dự án đầu tư xây dựng công trình xưởng sản xuất UFC85/FORMALDEHYDE, Nhà máy Bia Hà Nội-Vũng Tàu, Nhà máy chế biến khí Nam Côn Sơn 2, với số vốn đăng ký 224,41 triệu USD và 26.870,292 tỷ đồng.


Cũng trong giai đoạn 2011-2015, ngành công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hút được 88 dự án với tổng vốn đăng ký 5,292 tỷ USD và 41.906 tỷ đồng, tổng diện tích cho thuê 960,48 ha với suất đầu tư bình quân là 1.678,73 tỷ đồng/ dự án (153,81 tỷ đồng/ha). Trong đó, đầu tư nước ngoài 50 dự án, vốn đăng ký 5,292 tỷ USD và 38 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 41.906,3 tỷ đồng. Các dự án đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 đã có 26 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện 3,163 tỷ USD và 7.645,58 tỷ đồng, đạt 48% vốn đăng ký và giải quyết việc làm cho khoảng 26.747 lao động.


 Lực lượng lao động trong ngành công nghiệp gia tăng đáng kể, từ 65.207 lao động năm 2010, lên 89.276 lao động năm 2014, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.


Mặc dù tổng cầu trên thị trường thế giới giảm do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí của Tỉnh vẫn luôn duy trì ở mức tăng trưởng bình quân khá cao (giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 17,19%/năm).  Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, trong đó: Nhóm hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu 932,91 triệu USD, tăng bình quân 26,44%/năm; Nhóm hàng thủy sản 1.751,34 triệu USD, tăng 8,08%/năm; Nhóm hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 8.489,5 triệu USD, tăng 18,82%/năm. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc... Điểm đáng chú ý là xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần.


Nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2015 của tỉnh tăng trưởng bình quân 18,11%/năm. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu và vật tư chiếm trên 97% tổng kim ngạch nhập khẩu. Hoạt động nhập khẩu tăng trưởng cao để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.


Cân đối cung cầu hàng hoá của tỉnh được đảm bảo, đáp ứng các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai tích cực, cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ giai đoạn 2011-2015 đạt 210.012,88 tỷ đồng, tăng 16,64%/năm. Kinh tế vĩ mô cơ bản đã ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm nhanh từ mức 17,07% năm 2011 xuống còn 7,52% năm 2012, năm 2013 còn 4,07% và năm 2014 CPI cũng ở mức 1,47%.


Hội nhập kinh tế quốc tế, thuận lợi và thách thức


Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu rõ quan điểm của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, hàng năm UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phối hợp với các Bộ ngành của Trung ương tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình đàm phán, gia nhập WTO; đặc biệt là các cam kết của Việt Nam với tổ chức này. Cho đến nay, nhận thức về Hội nhập kinh tế quốc tế trong cán bộ, công chức, viên chức cũng như lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và nhân dân trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực.  Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã chủ động liên hệ với Văn phòng Ban Chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh để được cung cấp các thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nâng cao sự hiểu biết và phục vụ việc lập kế hoạch hoạt động, sản xuất kinh doanh cho đơn vị và doanh nghiệp.


Dự báo trong 5 năm 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới với việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), thực hiện các cam kết WTO và các hiệp định thương mại khác. Đồng thời, dòng vốn FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ đầu tư mạnh vào các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đây là những thuận lợi đồng thời cũng là những thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước và công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn hội nhập mới. Tự do hóa thương mại sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trên thế giới, đặc biệt là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.


Quá trình hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là các chương trình, kế hoạch hợp tác xây dựng các hành lang kinh tế với các nước ASEAN, các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do với EU, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các đối tác khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Nga… sẽ mở ra không gian hoạt động kinh tế rộng hơn, thuận lợi hơn, nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói riêng.


Việc gia nhập thị trường quốc tế sâu rộng sẽ là một khó khăn thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Tỉnh, do các đơn vị này có công nghệ lạc hậu; trình độ công nghệ của sản phẩm đạt thấp, việc tiếp cận cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường sẽ là một bất lợi, đặc biệt là các sản phẩm thép và thép kỹ thuật của Nga, sản phẩm nông nghiệp và chế biến thực phẩm của Thái Lan là những nước có công nghệ hiện đại, chất lượng hàng đầu thế giới và giá rất cạnh tranh sẽ là khó khăn lớn cho hàng hóa của tỉnh khi thâm nhập thị trường các nước nếu như không có các biện pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời.


Với mục tiêu “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo đảm ổn định xã hội; xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch; giữ vững ổn định chính trị; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc”, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu quyết tâm phát huy những lợi thế sẵn có và tiềm năng phát triển cùng với những cơ hội do hội nhập kinh tế thế giới mang lại, để ngày càng phát triển mạnh hơn các ngành công nghiệp dầu khí, năng lượng, thép, phân bón, cơ khí…, đồng thời tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.


Mai Hương