Bắt đầu từ tháng 12/2015, nhiều quy định, chính sách liên quan đến ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn; Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Quản lý thị trường địa phương; Quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, v.v ...


Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp

Kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2015, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ chỉ được áp dụng với các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động hiệu quả theo các tiêu chí quy định của Chính phủ và có kết quả xếp loại doanh nghiệp ba năm liền kề trước năm xác định bổ sung vốn điều lệ đạt từ loại B trở lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng cần bổ sung vốn.

Ngoài ra, đối với các Công ty Cổ phần, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Nhà nước chỉ được góp thêm vốn để duy trì tỷ lệ sở hữu (khi doanh nghiệp tăng vốn) đối với các lĩnh vực: liên quan đến cơ sở hạ tầng (khai thác, bảo trì cảng hàng không, sân bay, cảng biển; quản lý bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt; cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông); lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác chế biến dầu mỏ, gas; các ngành sản xuất thiết yếu (về ngành điện có phân phối điện và các ngành khác như: nước, chiếu sáng, hóa chất cơ bản...), sản xuất thuốc lá điếu, bán buôn thuốc, lương thực, xăng dầu và vận tải đường biển quốc tế, đường sắt, hàng không.

Nghị định số 91/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ việc đầu tư vốn Nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Cụ thể, Nhà nước chỉ thực hiện mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp trong 3 trường hợp: Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc thực hiện tái cơ cấu lại những doanh nghiệp hoạt động ở một số ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp liên quan đến Quốc phòng, an ninh; Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu.

Về huy động vốn của doanh nghiệp Nhà nước, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP quy định, việc huy động vốn của doanh nghiệp Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên vay nước ngoài theo đúng các điều kiện đã cam kết trong các thỏa thuận vay. Khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh và phải nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm, phải được đăng ký và xác nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nghị định số 91/2015/NĐ-CP thay thế các Nghị định: số 71/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; số 09/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về ban hành quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; các quy định về quản lý tài chính đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu tại Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ.

Quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn

Từ ngày 07/12/2015, Thông tư số 32/2015/TT-BCT (Thông tư 32) của Bộ Công Thương ban hành quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn bắt đầu có hiệu lực.

Thông tư 32 quy định về phát triển dự án phát điện sử dụng chất thải rắn nối lưới và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn nối lưới tại Việt Nam.

Theo đó, chủ đầu tư dự án phát điện sử dụng chất thải rắn lập hồ sơ đề xuất dự án phát điện sử dụng chất thải rắn theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt dự án. Trên cơ sở đề xuất dự án, UBND cấp tỉnh lập Hồ sơ đề nghị bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 32 gửi Bộ Công Thương.

Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương (Tổng cục Năng lượng) phải có văn bản yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chưa đầy đủ, hợp lệ.

Thông tư cũng quy định chủ đầu tư chỉ được lập dự án đầu tư phát điện sử dụng chất thải rắn thuộc Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia được phê duyệt. Đối với các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn khác nhau và tổng công suất từng giai đoạn với thời điểm vào vận hành phát điện theo từng năm khác nhau, chủ đầu tư có trách nhiệm lập dự án đầu tư theo từng giai đoạn dự án. Trường hợp thời điểm vào vận hành của dự án dự kiến có sai lệch quá 06 tháng so với tiến độ quy định trong quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia, nhà đầu tư có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh và Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương. Nội dung dự án đầu tư phát điện sử dụng chất thải rắn theo quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, bổ sung thêm những nội dung chính như: Đánh giá ảnh hưởng của phương án đấu nối dự án phát điện sử dụng chất thải rắn đối với hệ thống điện khu vực; Kế hoạch và phương án chi phí, kỹ thuật phục vụ tháo dỡ và xử lý thiết bị nhà máy phát điện sử dụng chất thải sau khi kết thúc dự án.

Đối với an toàn công trình và bảo vệ môi trường, Thông tư yêu cầu hoạt động đầu tư phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn phải tuân thủ theo các quy định, quy chuẩn về an toàn công trình và bảo vệ môi trường hiện hành.

Trước ngày 30 tháng 10 hàng năm, căn cứ vào chi phí và giá điện chung của hệ thống, Tổng cục Năng lượng tính toán công suất nguồn phát điện sử dụng chất thải rắn gửi Cục Điều tiết điện lực tính toán giá điện đối với dự án phát điện sử dụng chất thải rắn cho năm tiếp theo trình Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp  

Kể từ ngày 08/12/2015, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều củaLuật Doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Nghị định gồm 21 điều, quy định chi tiết thêm các điều liên quan đến:

- Doanh nghiệp xã hội (chính sách phát triển đối với doanh nghiệp xã hội, đăng ký doanh nghiệp xã hội, công khai và chấm dứt thực hiện Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp xã hội; chuyển cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đối với doanh nghiệp xã hội; trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông doanh nghiệp xã hội; công khai hoạt động của doanh nghiệp xã hội; theo dõi, giám sát hoạt động của doanh nghiệp xã hội…).

Doanh nghiệp xã hội được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài,  tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.  Trường hợp nhận ưu đãi, viện trợ, tài trợ, định kỳ hằng năm doanh nghiệp xã hội phải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp xã hội có trụ sở chính Báo cáo đánh giá tác động xã hội đối với các hoạt động doanh nghiệp đã thực hiện chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Việc đăng ký, đặt tên của doanh nghiệp xã hội thực hiện theo quy định hiện hành.

Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được dùng toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ để đăng ký doanh nghiệp xã hội sau khi có Quyết định cho phép chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

- Con dấu doanh nghiệp (số lượng, hình thức, nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện; hình ảnh, ngôn ngữ không được sử dụng trong nội dung mẫu con dấu; quản lý và sử dụng con dấu).

Chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có), trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Cơ quan đăng ký kinh doanh không chịu trách nhiệm thẩm tra nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục thông báo mẫu con dấu cho doanh nghiệp.

- Sở hữu chéo giữa các công ty (việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau).

Cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông công ty nếu trong quá trình thụ lý hồ sơ phát hiện việc góp vốn, mua cổ phần thành lập doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp liên quan vi phạm quy định tại các Khoản 2 và 3 Điều 189 Luật Doanh nghiệp. Các công ty không có cổ phần, phần vốn góp nhà nước nắm giữ đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 có quyền mua bán, chuyển nhượng, tăng, giảm phần vốn góp, số cổ phần nhưng không được làm tăng tỷ lệ sở hữu chéo hiện có.

- Nguyên tắc quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, phối hợp chia sẻ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp giữa các cơ quan, đơn vị

Cán bộ, công chức không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ, đặt ra thêm các thủ tục, điều kiện ngoài quy định và có hành vi gây khó khăn, phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Mỗi cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao. các cá nhân, tổ chức có liên quan được tạo thuận lợi cho trong tiếp cận các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp được lưu trữ tại cơ quan, đơn vị, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật theo quy định pháp luật. Hoạt động theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu không được gây ảnh hưởng bất lợi hoặc cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

- Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, phương án, cách thức trao đổi thông tin với cơ quan có liên quan và công khai thông tin; xây dựng hệ thống quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của mình. Định kỳ hằng tháng, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan khác theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm đầu mối tổng hợp tình hình hoạt động và chấp hành pháp luật của doanh nghiệp để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đồng thời gửi các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Quản lý thị trường địa phương

Ngày 27 tháng 10 năm 2015, Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 34/2015/TTLT-BCT-BNV Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Quản lý thị trường địa phương. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2015 và thay thế Thông tư số 09/2001/TT-BTM ngày 13 tháng 4 năm 2001 của Bộ Thương mại hướng dẫn về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường ở địa phương.

Theo đó, Thông tư liên tịch này quy định: Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp và các lĩnh vực khác được pháp luật giao; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; Lực lượng Quản lý thị trường được xây dựng theo hướng chính quy, tổ chức chặt chẽ; bảo đảm sự quản lý và chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường nhằm mục đích thiết lập trật tự, kỷ cương và bảo đảm cho các hoạt động kinh doanh trên thị trường diễn ra lành mạnh, theo đúng pháp luật; Lực lượng Quản lý thị trường hoạt động theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan cấp trên về các quyết định xử lý của mình. Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường các cấp và công chức Quản lý thị trường phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm kiểm tra và xử lý vi phạm đúng pháp luật, công minh, khách quan, chính xác, kịp thời.

Thông tư liên tịch cũng cho biết về vị trí và chức năng của Chi cục Quản lý thị trường, theo đó, Chi cục Quản lý thị trường là tổ chức trực thuộc Sở Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Công Thương quản lý Nhà nước về công tác quản lý thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa theo pháp luật; tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp, các lĩnh vực khác được pháp luật quy định và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) giao trên địa bàn cấp tỉnh; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Chi cục Quản lý thị trường có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; có trụ sở và là đơn vị dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật; được mở các tài khoản giao dịch, tài khoản tạm giữ tại kho bạc Nhà nước; được trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật.

Quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương

Từ ngày 15/12/2015, Thông tư số 38/2015/TT-BCT (Thông tư 38) quy định chi tiết một số nội dung về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương có hiệu lực thi hành.

Thông tư 38 quy định chi tiết lĩnh vực đầu tư, quy trình thủ tục thực hiện và giám sát các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Các dự án nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Thông tư 38 áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Lĩnh vực đầu tư thuộc phạm vi Bộ Công Thương quản lý. Các dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp trang thiết bị hoặc dịch vụ công trong các lĩnh vực: Nhà máy điện (bao gồm cả các dự án sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo); đường dây tải điện. Công trình kết cấu hạ tầng thương mại; Chợ; Trung tâm thương mại, siêu thị; Trung tâm hội chợ triển lãm; Trung tâm logistic; Kho hàng hóa.

Theo Thông tư, trách nhiệm của đơn vị đầu mối quản lý hoạt động PPP là xây dựng và tổ chức phổ biến chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp trang thiết bị hoặc cung cấp dịch vụ theo hình thức đối tác công tư; Tổ chức xúc tiến đầu tư các dự án được công bố; Tổ chức thẩm định đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; Công bố các đề xuất dự án được phê duyệt; Lập kế hoạch vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án; Theo dõi, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện dự án, v.v ...

Đối với việc lập kế hoạch vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án, đơn vị quản lý ngành, lĩnh vực và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương lập kế hoạch vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo quy định tại Điều 5 và Điều 13 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP gửi đơn vị đầu mối quản lý hoạt động PPP để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm toàn ngành. Căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn được giao và kết quả phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đề xuất dự án (đối với dự án nhóm C), đơn vị quản lý ngành, lĩnh vực và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương lập kế hoạch vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án gửi về đơn vị đầu mối quản lý hoạt động PPP trước ngày 15 tháng 7 hàng năm để tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công cho năm tiếp theo. Căn cứ quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 5 năm và hàng năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án.

Quy định mới về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC

Cũng từ ngày 15/12/2015, Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC (thẻ ABTC) ban hành kèm theo Quyết định 45/2006/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành. Một trong các điểm mới của Quyết định này là kéo dài thời hạn thẻ ABTC từ 3 năm lên 5 năm.

Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg nêu rõ, thẻ ABTC có thời hạn sử dụng 5 năm, kể từ ngày cấp và không được gia hạn; trường hợp thẻ ABTC hết thời hạn sử dụng sẽ được cấp thẻ mới.

Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg quy định cụ thể các trường hợp được xét cấp thẻ ABTC. Cụ thể: Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước: a) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc Tổng Công ty do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm; b) Thành viên Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc; Giám đốc, Phó giám đốc các doanh nghiệp (DN), khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Giám đốc, Phó giám đốc các ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng; c) Kế toán trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng các DN, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, ngân hàng; Trưởng chi nhánh của DN hoặc chi nhánh ngân hàng. Thẻ ABTC có thời hạn sử dụng 5 năm, kể từ ngày cấp và không được gia hạn; trường hợp thẻ ABTC hết thời hạn sử dụng sẽ được cấp thẻ mới. Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các DN được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam: Chủ DN tư nhân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty; Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hợp tác xã hoặc liên hợp tác xã; Kế toán trưởng, Trưởng phòng trong các DN; Trưởng chi nhánh của các DN và các chức danh tương đương khác. Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham gia các hoạt động của APEC: Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC; Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của APEC; Trưởng đại diện, Phó đại diện cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của cấp có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Công an có thể xét, cấp thẻ ABTC cho những người không thuộc các đối tượng trên.

Thẩm quyền xét cho sử dụng thẻ ABTC cũng có một số nội dung được sửa đổi. Cụ thể, đối với doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các DN Nhà nước là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc Tổng Công ty do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm; Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC có nhu cầu sử dụng thẻ ABTC phải được Thủ trưởng cơ quan, DN nơi công tác thông báo đề nghị cấp thẻ bằng văn bản (theo Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg, các trường hợp này do Thủ tướng Chính phủ xét cho phép sử dụng thẻ ABTC). Các trường hợp còn lại có nhu cầu sử dụng thẻ ABTC phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm xét, cho phép sử dụng thẻ. Doanh nhân làm việc tại các DN do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập nhưng đã được cổ phần hóa, không còn vốn nhà nước chi phối thì do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi DN đặt trụ sở xét, cho phép sử dụng thẻ ABTC.

Quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may

Ngày 30/10/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2015.

Theo đó, quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Những sản phẩm dệt may không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này gồm sợi, vải mộc chưa qua xử lý hoàn tất; Hàng miễn trừ ngoại giao, hàng trong túi lãnh sự, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng áp dụng của Thông tư này là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam; tổ chức Bộ Công Thương chỉ định và ủy quyền tham gia hoạt động kiểm tra nhà nước với hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Trình tự, thủ tục kiểm tra Nhà nước đối với sản phẩm dệt may sản xuất trong nước, việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may sản xuất trong nước thực hiện theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Trình tự, thủ tục kiểm tra được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 48/2011/TT-BCT.

Việc thực hiệm kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may nhập khẩu được thực hiện với các hình thức: kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất.

Bộ Công Thương ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp

Từ ngày 22/12/2015, các Thông tư số: 14/2015/TT-BCT, 15/2015/TT-BCT, 16/2015/TT-BCT, 17/2015/TT-BCT, 18/2015/TT-BCT, 19/2015/TT-BCT, 20/2015/TT-BCT quy định các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp có hiệu lực thi hành.

Ban hành kèm theo các Thông tư trên là các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về: Máy nổ mìn điện ký hiệu QCVN 01: 2015/BCT (Thông tư 14), Các loại kíp nổ: kíp nổ điện ký hiệu QCVN 02 : 2015/BCT, kíp nổ đốt số 8 ký hiệu QCVN 03 : 2015/BCT (Thông tư 15), Dây nổ chịu nước ký hiệu QCVN 04 : 2015/BCT (Thông tư 16), Amôni nitrat dùng để sản xuất thuốc nổ nhũ tương ký hiệu QCVN 05 : 2015/BCT (Thông tư 17), Dây cháy chậm công nghiệp ký hiệu QCVN 06 : 2015/BCT (Thông tư 18), Thuốc nổ Amonit AD1 ký hiệu QCVN 07 : 2015/BCT (Thông tư 19), Mồi nổ dùng cho thuốc nổ công nghiệp ký hiệu QCVN 08 : 2015/BCT (Thông tư 20).

Các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia do Bộ Công Thương ban hành nêu trên quy định mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật và phương pháp kiểm định đối với máy nổ mìn điện kiểu tụ điện; quy định về yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử và các quy định về quản lý đối với kíp nổ điện số 8, kíp nổ điện vi sai, kíp nổ điện vi sai an toàn đối với các loại kíp nổ; quy định về yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử và các quy định về quản lý đối với dây nổ chịu nước loại 10 g/m và 12 g/m; về Amôni nitrat tinh thể dùng để sản xuất thuốc nổ nhũ tương; về dây cháy chậm công nghiệp; về thuốc nổ Amonit AD1(thuốc nổ amonit phá đá số 1); về mồi nổ dùng cho thuốc nổ công nghiệp sản xuất trong nước, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng.

Các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan tới sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, thử nghiệm, kiểm định, sử dụng máy nổ mìn điện; hoạt động liên quan đến kíp nổ điện số 8, kíp nổ điện vi sai, kíp nổ điện vi sai an toàn; dây nổ chịu nước loại 10 g/m và 12 g/m; Amôni nitrat tinh thể dùng để sản xuất các loại thuốc nổ nhũ tương; dây cháy chậm công nghiệp; thuốc nổ Amonit AD1; mồi nổ dùng cho thuốc nổ công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế

Từ ngày 25/12/2015, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế có hiệu lực thi hành.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013. Cụ thể, Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan trừ ưu đãi riêng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan. Doanh nghiệp chế xuất được mua vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam để xây dựng công trình, phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp chế xuất, người bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam. Thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo pháp luật về hải quan.

Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài chính quy định. Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản. Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất khi mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất và ngược lại không phải khai báo hải quan. Doanh nghiệp chế xuất được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam và bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế xuất hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.

Quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) ngành Công Thương

Kể từ ngày 30/12/2015, Thông tư số 35/2015/TT-BCT (Thông tư 35) quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) ngành Công Thương do Bộ Công Thương ban hành sẽ có hiệu lực. Đây là một trong những hoạt động tích cực của ngành Công Thương trong công tác BVMT.

Thông tư 35 quy định các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan, bên cạnh tuân thủ đúng các quy định về BVMT tại các văn bản hiện hành còn phải đảm bảo các quy định: BVMT trong lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; trong giai đoạn lập dự án đầu tư; trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiểm tra và báo cáo công tác BVMT. Trong đó, quy định về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được các tập đoàn, doanh nghiệp ngành Công Thương rất quan tâm. Theo đó, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm: Lập kế hoạch quản lý môi trường và niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã sau khi báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt. Bên cạnh đó, khi vận hành các công trình BVMT, hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất và khí thải phải đúng quy trình phê duyệt trong báo cáo ĐTM hoặc kế hoạch BVMT đã xác nhận. Đồng thời, cần thực hiện phân loại và quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ- CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường trong trường hợp không tự xử lý. Đặc biệt, đối với chất thải nguy hại, phải lập sổ đăng ký chủ nguồn thải, phân loại theo các nhóm khác nhau, lưu giữ trong kho chứa và quản lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại. Các hoạt động sản xuất thuộc danh mục nguồn thải khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư này phải tiến hành đăng ký chủ nguồn thải khí thải công nghiệp theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 38/2015/N -CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Thêm vào đó, phải thực hiện quan trắc môi trường đối với các thông số và tần suất trong báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT hoặc văn bản tương đương được phê duyệt, xác nhận. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm ngoài khu công nghiệp có lưu lượng xả nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên (không bao gồm nước làm mát) phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục. Đối với khí thải, cơ sở thuộc danh mục quy định tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục. Hệ thống thiết bị quan trắc phải được kiểm định và hiệu chuẩn theo quy định để đảm bảo độ tin cậy của số liệu quan trắc.

Riêng hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, thông tư quy định rõ: Các tổ chức, cá nhân chỉ được phép nhập khẩu các loại phế liệu từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, hoặc nhận ủy thác nhập khẩu phải được cơ quan quản lý môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu và thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.


 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương