PGS.TS.Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - trả lời phỏng vấn phóng viên Báo CôngThương

P.V: Nhiều người cho rằng Chương trình xúc tiến thương mại thị trường nội địa chậm được triển khai, làm nhiều doanh nghiệp “sốt ruột”, xin ông lý giải tình hình cụ thể?

Ngày 24 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 529/QĐ-TTg chính thức giao kinh phí thực hiện Chương trình XTTM thị trường nội địa. Đến ngày 15 tháng 7 năm 2009, Bộ Công Thương mới hoàn tất và ban hành Thông tư số 21/2009/TT-BCT quy định việc xây dựng và hỗ trợ thực hiện Chương trình, Quyết định số 3581/QĐ-BTC về việc phê duyệt Chương trình và các Quyết định khác có liên quan đến việc thành lập các cơ quan kèm theo quy chế hoạt động của các cơ quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Chương trình.

Tiếp đó, thực hiện cơ chế đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành, ngày 11 tháng 8 năm 2009, Bộ Công Thương ra Quyết định số 4005A/QĐ-BCT về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu, kế hoạch đấu thầu và thành lập Tổ chấm thầu và sau đó công bố Thư mời thầu số 7756/BCT-TTTN (theo thể thức đấu thầu rộng rãi) lên mạng và các báo theo quy định. Sau các thủ tục này, ngày 11 tháng 9 năm 2009, tiến hành đóng thầu đợt 1 cho 6 gói và ngày 6/10/2009, tiến hành đóng thầu đợt 2 cho 3 gói còn lại. Cuối cùng, trong khoảng thời gian từ ngày 12/9 đến 23/10, Hội đồng thẩm định và Tổ chấm thầu tổ chức chấm và đánh giá các gói thầu.

Như vậy, nêú chỉ nhìn về thời gian, dễ có cảm giác là triển khai chậm, nhưng thực chất là con đường đi hơi dài, do phải trải qua nhiều bước với nhiều thủ tục cần thiết theo luật định. Thậm chí, đến ngày 28 tháng 10 năm 2009, Bộ Tài chính mới có Thông tư số 207/TT-BTC quy định chế độ chi tiêu và quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho Chương trình này. Lúc này mới có đủ cơ sở pháp lý để tiến hành thương thảo và ký kết các hợp đồng triển khai thực tế các hoạt động của Chương trình. Với quá trình nêu trên thì có thể khẳng định tuy có lâu nhưng mà chắc.

P.V: Thưa ông, quá trình chậm như vậy liệu có lỡ mất cơ hội không, khi nhu cầu tiêu thụ hàng Việt đang rất bức xúc?

Không. Đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt là một đòi hỏi lâu dài, thường xuyên và rộng lớn của thị trường nội địa, không phải là một cơ hội chỉ mang tính thời điểm, tình thế hay cục bộ.

Mặt khác, ngay từ khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định Chương trình XTTM thị trường nội địa, Bộ đã chỉ đạo các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối lớn hưởng ứng bằng cách chủ động tổ chức các hội chợ, các tuần hoặc tháng khuyến mãi, bán hàng hạ giá và nhất là các phiên chợ, các đợt bán hàng về với nông thôn, các khu công nghiệp... Trong các tháng qua, các Sở Công Thương và các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng... đã tổ chức rất tốt nhiều sự kiện, nhiều hình thức XTTM và đem lại những kết quả rất thành công cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, trên cả phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Cũng phải nhắc lại rằng, Chương trình này góp phần làm nâng cao năng lực nội sinh cho doanh nghiệp trong việc XTTM nội địa. XTTM trên thị trường nội địa là một trong những chiến lược cơ bản của doanh nghiệp trên con đường tăng trưởng và phát triển. Doanh nghiệp phải biết tạo ra thời cơ và do đó thời cơ lúc nào cũng có.

P.V: Qua triển khai Chương trình này, có điều gì cần rút kinh nghiệm hay hoàn thiện hơn không, thưa ông?

Trước hết, Bộ chỉ đạo phải thực hiện thật tốt, đạt được kết quả thiết thực và cụ thể, có thể “lượng hóa” được trong việc tiêu thụ hàng Việt, cải thiện được rõ rệt trên 3 mặt: chất lượng hàng hóa, trình độ cung cấp dịch vụ và tấm lòng người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng quyết định Chương trình XTTM nội địa hàng năm, lâu dài. Trong đó, tập trung nhiều hơn cho các hoạt động nghiên cứu xác định nhu cầu của các tầng lớp người tiêu dùng theo địa bàn; các chương trình bán hàng về nông thôn, miền núi, về khu công nghiệp tập trung với đa dạng các phương thức, tiến hành thường xuyên, nền nếp và chuyên nghiệp, trở thành một kiểu phát triển mạng lưới phân phối đặc biệt. Đồng thời, Bộ cũng sẽ đề xuất một cơ chế tài chính riêng, tương thích hơn với Chương trình.

P.V: Xin cảm ơn ông!
 

Thanh Hương. Báo CT