Phát triển ngành Công nghiệp ô tô đáp ứng nhu cầu nội địa
CNHT là nền tảng đặc biệt quan trọng trong phát triển công nghiệp, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Ngày 24/02/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT. Ngày 26/8/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1483/QĐ-TTg ban hành danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, bao gồm sản phẩm trong 6 nhóm ngành: cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao. Thực tế cho thấy, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất CNHT vẫn chưa tiếp cận được các ưu đãi của Chính phủ trong lĩnh vực này. Theo ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, Ban soạn thảo đã xây dựng Dự thảo Nghị định về phát triển CNHT nhằm thay thế nội dung Quyết định số 12/2011/QĐ-TT và Quyết định số 1483/QĐ-TTg.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết: hiện cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng linh, phụ kiện hỗ trợ các ngành công nghiệp xe máy, ô tô, điện tử, v.v... Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tập trung chủ yếu ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Mặc dù bước đầu các doanh nghiệp này đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại một số hạn chế như: tỷ lệ cung ứng trong nước cho các ngành ô tô, điện tử, đóng tàu chỉ chiếm khoảng 10-15%; lực lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu; số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số doanh nghiệp của toàn nền kinh tế, v.v... Trong khi đó, thời điểm có hiệu lực cả các cam kết quốc tế đang đến gần (AFTA năm 2018...), điều đó đặt ra các cơ hội cũng như những thách thức, áp lực ngày càng nặng nề cho ngành công nghiệp của Việt Nam.
Trong Chương trình công tác năm 2014, Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Nghị định về CNHT. Sau một thời gian cố gắng, nỗ lực của Ban soạn thảo và sự giúp đỡ của nhóm chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, Dự thảo Nghị định đã hoàn thành. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức nhằm tham vấn, trao đổi và mong nhận được những ý kiến góp ý quý báu để hoàn thiện Dự thảo và Nghị định sớm được ban hành, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển ngành CNHT của Việt Nam.
Thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về phát triển CNHT
Thay mặt Ban soạn thảo, ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương đã giới thiệu những nôi dung chính của Dự thảo Nghị định về phát triển CNHT. Nghị định gồm 4 chương, 37 điều. Theo Dự thảo, mục tiêu của Chương trình quốc gia phát triển CNHT bao gồm: Huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước vào sản xuất sản phẩm CNHT; Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT thông qua các hoạt động về nghiên cứu - chuyển giao công nghệ sản xuất, sản xuất thử nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị sản xuất, nâng cao năng lực, trình độ sản xuất các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, tạo kết nối khách hàng và tạo lập thị trường đầu ra cho sản phẩm; Đẩy nhanh phát triển số lượng của doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT khoảng 45% đến năm 2020 và 60% đến năm 2025.
Về việc thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về phát triển CNHT, Điều 27 của Dự thảo giới thiệu, Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Trưởng ban thường trực, các thành viên là Thứ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo quy định, Bộ Công Thương là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, có nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban chỉ đạo.
Theo Điều 29 của Dự thảo, thời gian tới, Trung tâm phát triển CNHT sẽ được thành lập và là đơn vị được Bộ Công Thương giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CNHT, có chức năng cung cấp điều kiện thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật nhằm triển khai các hoạt động công nghệ, nguồn lực và dịch vụ cần thiết cho tổ chức, cá nhân triển khai hoạt động CNHT trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT khuyến khích phát triển.
Chương trình quốc gia phát triển CNHT gồm các chương trình cụ thể như sau: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng linh kiện và vật liệu cho các tập đoàn đa quốc gia và các nhà cung ứng lớp trên trong lĩnh vực chế tạo; Chương trình nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghiệp trọng điểm quốc gia phát triển CNHT; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý trong sản xuất; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT; Chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu và website cung cấp thông tin về CNHT; Thành lập trung tâm phát triển CNHT.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, bà Trương Thị Chí Bình, thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định cho biết: những thất bại trong lĩnh vực CNHT thời gian qua là do dung lượng thị trường nội địa còn nhỏ trong khi sự chi phối của các nhà lắp ráp nước ngoài còn quá lớn, làm doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào chuỗi cung ứng.
Có thể thấy, hiện nay, phát triển nhất trong ngành CNHT ở Việt Nam là lĩnh vực linh kiện kim loại thuộc ngành cơ khí chế tạo ô tô, điện tử, máy nông nghiệp, máy công nghiệp; sau đó là linh kiện nhựa - cao su và lĩnh vực phụ liệu cho ngành Dệt may - Da giày. Theo bà Trương Thị Chí Bình, bức tranh này cho thấy, ngành công nghiệp công nghệ cao đã và luôn là niềm mơ ước của nền công nghiệp Việt Nam.
Đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo: Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ là cơ hội tốt thúc đẩy doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển; giúp Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế trong CNHT, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân Việt Nam tham gia các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hợp tác trong chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Tuy nhiên, để Nghị định hoàn thiện và có ý nghĩa thiết thực hơn nữa, Dự thảo nên bổ sung danh mục một số linh kiện đóng vai trò quan trọng trong sản xuất sản phẩm như linh kiện bán dẫn phục vụ cho máy in, linh kiện lò xo, băng dính, linh kiện tiện..., giúp doanh nghiệp giảm bớt khâu nhập khẩu linh kiện và hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về việc thành lập Trung tâm phát triển CNHT trung ương và địa phương, đại diện Công ty Cổ phần Thép Bắc Việt bày tỏ quan điểm ủng hộ và cho rằng nên bổ sung các doanh nhân trong danh sách các chuyên gia của Trung tâm nhằm hỗ trợ, tư vấn ngành CNHT trong nước phát triển một cách thực tế, hiệu quả hơn.
Về cơ chế hưởng chính sách ưu đãi, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Ô tô Trường Hải nêu ý kiến: trên thực tế có nhiều nhà sản xuất linh kiện của nước ngoài thuê địa điểm sản xuất linh kiên ở Việt Nam (nhằm tận dụng lợi thế về bất động sản và giá thành nhân công), sau đó xuất sản phẩm sang nước ngoài, như vậy doanh nghiệp này có thuộc thành phần doanh nghiệp CNHT được hưởng ưu đãi hay không? Ông Trần Bá Dương cũng góp ý: Bộ Công Thương nên xem xét cụ thể những khó khăn trong quá trình soạn thảo, để Nghị định đi vào thực tế và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn.
Hầu hết các ý kiến tại Hội thảo đều đồng tình với Dự thảo Nghị định về phát triển CNHT. Các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm và khó khăn của chính doanh nghiệp mình, đồng thời kiến nghị Chính phủ cũng như Bộ Công Thương nên có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa nhằm khuyến khích phát triển ngành CNHT nước nhà.
Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu tham dự Hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được cân nhắc để bổ sung, nhằm hoàn thiện Dự thảo. Ban soạn thảo sẽ tập trung vào các biện pháp nhằm hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, tiếp cận khách hàng… nhằm khắc phục các điểm yếu cũng như phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam. Nghị định về phát triển CNHT dự kiến sẽ được trình Chính phủ phê duyệt và ban hành vào cuối năm 2014.
Nguồn: moit.gov.vn