Quy hoạch Công nghiệp địa phương
Không chỉ góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển du lịch tại các làng nghề còn tạo “cú hích” làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới và mang lại hiệu quả xã hội, lợi ích kinh tế cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh tại làng nghề. Đó là nhận định của ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam với PV báo Kinh tế Việt Nam.


Lợi ích nhân ba


Ông Tuấn cho biết, hiện Việt Nam có 2.790 làng nghề (riêng thủ đô Hà Nội có khoảng gần 300 làng nghề), tạo công ăn việc làm cho hơn 11 triệu lao động thuộc 5 triệu hộ gia đình. Trong số các làng nghề Việt Nam, có không ít những làng nghề được lưu truyền từ hàng ngàn năm. Vì thế, làng nghề và các sản phẩm làng nghề không chỉ mang bản sắc văn hóa mà còn mang một dấu ấn dân tộc sâu sắc. Nó chứa đựng và truyền tải những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, do đó phát triển du lịch làng nghề là một việc làm cần thiết, mang lại ba lợi ích lớn: Thứ nhất, góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu làng nghề, thương hiệu quốc gia đến với bạn bè quốc tế; thứ hai, tạo “cú hích” làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới; thứ ba, mang lại hiệu quả xã hội, lợi ích kinh tế cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh tại làng nghề.


Đặc biệt, du lịch làng nghề còn là một loại hình du lịch hấp dẫn, vì thế, nếu biết cách khai thác, loại hình này sẽ thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Đơn cử như Bát Tràng, một trong số những làng nghề được đánh giá là điển hình về sự năng động trong việc phát triển du lịch làng nghề trong những năm qua cũng đã nhận thấy những tác động tích cực từ việc phát triển du lịch làng nghề. Theo ông Đào Xuân Hùng - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng: 6 tháng đầu năm 2010, xã Bát Tràng đón 1.152 đoàn khách du lịch với 4.517 lượt khách quốc tế và hàng chục ngàn khách trong nước về tham quan du lịch và ký kết hợp đồng kinh tế, mua hàng gốm sứ. Cũng theo ông Hùng, bên cạnh loại hình du lịch làng gốm bằng xe trâu, một số loại hình du lịch ở Bát Tràng khác cũng rất được khách du lịch quan tâm đó là nặn, vẽ gốm tại chỗ.


Chị Nga, một chủ cửa hàng vẽ gốm tại chợ gốm Bát Tràng cho biết: Hàng ngày, cửa hàng của chị thu hút khoảng 100 du khách, trong số đó có không ít là người nước ngoài, nhìn chung họ rất thích thú với hoạt động được tự tay làm ra những sản phẩm gốm. Nguyễn Hải Trường, sinh viên Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội thường xuyên đến vẽ gốm tại chợ gốm Bát Tràng thì cho rằng: Đây là một loại hình giải trí rất tốt cho giới trẻ hiện nay nó không chỉ giúp họ hiểu về truyền thống của dân tộc Việt Nam mà nó còn giúp hòa nhập với cuộc sống hiện tại, tránh xa được những trò chơi ảo trên mạng đang có nguy cơ tiềm ẩn những tiêu cực.


Phát triển chưa tương xứng


Theo ông Tuấn, số làng nghề phát huy được lợi ích từ việc phát triển du lịch làng nghề vẫn chưa nhiều. Đa số các làng nghề vẫn chưa ý thức được việc cần phải phát triển du lịch làng nghề, hoặc có ý thức được nhưng vẫn chưa làm chưa đến nơi đến chốn theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Điều này cũng đã được ông Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Văn hóa du lịch - Trường đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ tại hội thảo: "Làng nghề Hà Nội -Tiềm năng phát triển và du lịch" do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức vào tháng 8 vừa qua. Theo ông Sáu, dù đã được đầu tư phát triển du lịch từ vài năm nay, song một số làng nghề vẫn chưa thu hút được du khách đến tham quan. Đơn cử như làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ - Hà Nội) đã hoàn thành khu trưng bày sản phẩm cho khách du lịch tham quan cách đây 8 năm, nhưng trong 8 năm qua chỉ có chưa đầy 100 khách đến tham quan.


Ông Nguyễn Tiến Nhuận - Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ (Đồng Quang - Từ Sơn - Bắc Ninh) cho biết: Năm 2009 làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ thu hút được khoảng 300 lượt khách quốc tế đến tham quan, giao dịch. Đây là con số không nhỏ, song với một làng nghề nổi tiếng như Đồng Kỵ thì quả là chưa tương xứng với tiềm năng.


Nguyên nhân của thực trạng này là do các làng nghề chưa thực sự ý thức được lợi ích từ việc phát triển du lịch làng nghề, vì thế thiếu đầu tư thỏa đáng về cơ sở vất chất (đường xá, thiếu không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm) và con người (thiếu trình độ ngoại ngữ, và sự am hiểu về làng nghề, sản phẩm). Đặc biệt, người dân tại làng nghề cũng chưa biến những sản phẩm của làng nghề thành các sản phẩm du lịch để hấp dẫn du khách.


Chị Hoàng Thị Khương, một thợ thêu nổi tiếng ở làng nghề thêu ren Quất Động, Thường Tín, Hà Nội cho biết: Rào cản ngôn ngữ vẫn là vấn đề quan trọng nhất với bản thân chị cũng như những người dân tại làng nghề thêu nổi tiếng này. Đây cũng là một trong những lý do làm cho du khách quốc tế còn ngần ngại khi thực hiện các giao dịch mua hàng.


Để phát triển du lịch làng nghề, theo ông Tuấn cần có những hành động cụ thể của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng như người dân tại chính các làng nghề. Khuyến khích các tổ chức tham gia đầu tư, phát triển loại hình du lịch này, xây dựng những khu trưng bày, giới thiệu sự ra đời và phát triển của làng nghề. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu cho phát triển du lịch, có sự kết hợp giữa các công ty lữ hành và làng nghề…/.
 

Theo: Báo Kinh tế Việt Nam