Vừa qua, Cục Công nghiệp địa phương đã tổ chức 1 đoàn công tác đi khảo sát hai thị trường mới là Ai Cập, Cô Oét từ ngày 5 đến 11/11/2009.

Tại Ai Cập, Cục đã ký kết Bản Thỏa thuận giữa Cục Công nghiệp địa phương (AIP) và Quỹ Phát triển xã hội Ai Cập (SFD) về lĩnh vực doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, đồng thời tổ chức làm việc với SFD và các tổ chức khác của Ai Cập để xúc tiến triển khai Thoả thuận đã ký kết; tìm hiểu, khai thác sự hỗ trợ về vốn, nguồn lực; giới thiệu tiềm năng, tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển doanh nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của các nước. Hai bên cũng thống nhất thành lập tiểu ban điều phối chung để thực hiện Thoả thuận hợp tác đã ký giữa hai bên. Phía Việt Nam cũng đề nghị SFD tiếp nhận một số suất đào tạo về marketing tại Ai Cập. Đổi lại phía Việt Nam sẽ nhận đào tạo dạy nghề tiểu thủ công nghiệp cho phía Ai Cập. Hiện nay, Ai Cập đang có nhu cầu nhập khẩu thủy sản đông lạnh, đồ gỗ nội thất, mây tre đan, thêu ren, rất chuộng đồ gốm sứ, sơn mài nhưng mẫu mã phải phù hợp với văn hóa Ai Cập. Phía bạn cũng đề nghị Việt Nam giúp đỡ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, đặc biệt cho nuôi trồng ở những vùng nước ngập mặn phía Bắc của Ai Cập và một số hồ lớn phía Nam đang để hoang hóa. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam thông qua SFD để đặt các quan hệ thương mại với các đầu mối nhập khẩu Ai Cập.

Tại Cô Oét, đoàn đã làm việc với Quỹ đầu tư Cô Oét KIA. Hai bên đã trao đổi thông tin và nhất trí việc liên lạc, hợp tác giữa hai bên, ghi nhận phía Cục Công nghiệp địa phương sẽ là đầu mối liên hệ cho KIA trong trường hợp KIA xúc tiến các hoạt động về đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp địa phương. Được biết, gần đây Chính phủ Cô Oét đang khuyến khích phát triển đầu tư tại Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á. Qua khảo sát thực tế, các đại diện doanh nghiệp nhận thấy Cô Oét là nơi có nhiều tiềm năng để Việt Nam có thể cung cấp các mặt hàng hoa quả tươi, đồ gỗ nội thất, cá đông lạnh... Các doanh nghiệp cũng tranh thủ quảng bá năng lực sản xuất và khả năng cung cấp sản phẩm của một số lĩnh vực công nghiệp địa phương ở Việt Nam. Tại một số Trung tâm giới thiệu, trình diễn sản xuất thử, in ấn và tiếp thị sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống giấy Papyrus và tranh dân tộc (tương tự giấy dó để sản xuất tranh Đông Hồ của Việt Nam), cho thấy phía bạn đã phát triển được rất tốt ngành thủ công truyền thống này. Đây là một chương trình phát triển thành công ngành nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch của nước bạn đáng để chúng ta nghiên cứu, học tập.

Nhằm tiếp tục phát triển thị trường, Cục CNĐP đề xuất với Bộ Công Thương cho phép tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ là cơ quan đầu mối liên lạc, phối hợp với hai cơ quan đầu mối phía bạn là Quỹ Phát triển xã hội Ai Cập (SFD) và Quỹ đầu tư Cô Oét (KIA) trong công tác triển khai thỏa thuận đã ký kết với SFD, hỗ trợ cho phía bạn các hoạt động nhằm thúc đẩy đầu tư, thương mại và đào tạo cho khối công nghiệp địa phương nói chung và cho các DNVVN ngành CN-TTCN nói riêng. Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ của KIA, chọn lọc một số nội dung thích hợp, đề xuất phương thức hợp tác trong tương lai.
 

Quang Lâm, P.TTĐT