Đắc Lắc đang kêu gọi đầu tư xây dựng 4 nhà máy chế biến ngô, với tổng vốn đầu tư trên 320 tỷ đồng, gồm nhà máy chế biến tinh bột ngô Krông Pắk, công suất 50.000 tấn/ năm và 3 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi sử dụng nguyên liệu chính là ngô xây dựng tại địa bàn các huyện Ea Kar, Ea H\'Leo, thành phố Buôn Ma Thuột. Công suất mỗi nhà máy này từ 50.000 tấn đến 100.000 tấn/năm. Tỉnh cũng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến tinh bột ngô, các sản phẩm cao cấp từ tinh bột ngô nhằm tăng dần tỷ lệ ngô đã qua chế biến, giảm bán ngô nguyên liệu. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2015, tỉnh Đắc Lắc đưa diện tích ngô lai tăng lên 140.000 ha, với sản lượng mỗi năm đạt từ 650.000 tấn ngô hạt trở lên.
           Đắc Lắc hiện nay là địa phương có diện tích, sản lượng ngô lai nhiều nhất nước, với diện tích trên 117.949 ha, mỗi năm đạt sản lượng từ 567.017 tấn ngô hạt trở lên. Diện tích ngô này tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea Kar, Ea H\'Leo, Krông Pắk và Cư M\'Gar. Đặc biệt, cây ngô lai đã có mặt ở hầu hết các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã được đồng bào xem đây là cây xoá đói giảm nghèo nhanh nhất do trồng đơn giản, dễ chăm sóc, vốn đầu tư thấp, mau thu hoạch và cho thu nhập cao từ 15 đến 20 triệu đồng/ha.
           Tuy nhiên, do thiếu các cơ sở thu mua, chế biến, nên hàng năm đến mùa vụ thường xuyên xảy ra tình trạng tư thương ép giá, ép cấp, khó khăn trong khâu tiêu thụ. Hiện, tỉnh Đắc Lắc mới có hai nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Công ty cổ phần 52 (huyện Ea Kar) và Hợp tác xã An Lạc (huyện Krông Búk), nên mỗi năm cũng chỉ tiêu thụ gần 15% trong tổng sản lượng ngô của cả tỉnh, số lượng ngô lai còn lại chủ yếu bán thô cho các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi của các tỉnh, thành trong cả nước. Mặt khác, sau khi thu hoạch, bà con nông dân chỉ lấy hạt ngô phần còn lại như thân, lá, cùi ngô đều đốt bỏ, gây lãng phí ./.
   Quang Huy