Nhân lực thương mại điện tử cần phải được tiến hành đào tạo có hệ thống. Ông Nguyễn Thanh Hưng- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin- Bộ Công Thương đã nhấn mạnh như vậy trong Hội thảo quốc tế “Thương mại điện tử vàpPhát triển nguồn nhân lực” tổ chức sáng ngày 16/12/2009 tại Hà Nội.

Những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử Việt Nam tác động mạnh mẽ và mang lại những hiệu quả thiết thực tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, tiếp cận với nền công nghiệp hiện đại, nhu cầu về nguồn nhân lực có thể đáp ứng việc nghiên cứu, triển khai các ứng dụng thương mại điện tử đang trở thành vấn đề cấp bách của các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức đào tạo, nghiên cứu của Việt Nam. Sự đầu tư kịp thời về công nghệ và phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử sẽ hỗ trợ tốt các doanh nghiệp, các tổ chức trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh mới, nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh khi tham gia vào thương mại nội địa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn nhân lực phục vụ cho thương mại điện tử đòi hỏi phải đáp ứng được những nhu cầu cao về chuyên môn. Phân tích vấn đề này, đại diện của Cục Thương mại điện tử cho biết: Thứ nhất, hoạt động thương mại được tiến hành trên môi trường mạng là dựa trên những quy định, những nguyên tắc và yêu cầu riêng (về giao dịch, thanh toán, tranh chấp…). Điều này đòi hỏi những người lao động trực tiếp và những nhà quản lý kinh doanh phải hiểu rõ các thao tác kỹ thuật, những quy định và nguyên tắc thực hiện kinh doanh trực tuyến. Thứ hai, người làm thương mại điện tử cần phải nắm vững những vấn đề liên quan đến thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông để có thể vận dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin khi tiến hành các giao dịch thương mại điện tử, đồng thời phải thường xuyên cập nhật các công nghệ mới, nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới trong thương mại điện tử. Thứ ba, thương mại điện tử là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế tri thức. Do đó, nhân lực thương mại điện tử, dù là người thực hiện hay là người đóng vai trò quản lý đều là những đối tượng có hàm lượng tri thức cao. Họ cần được tiến hành đào tạo có hệ thống, trải qua các quá trình đào tạo từ hệ thống đến chuyên sâu tương ứng với từng vị trí, từng nhiệm vụ và theo từng chuyên ngành cụ thể.

Như vậy, để có thế ứng dụng thành công, tận dụng các cơ hội mà thương mại điện tử mang lại, yêu cầu tiên quyết là cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực. Đây chính là một trong những vấn đề đặt ra và đòi hỏi phải được giải quyết đầu tiên đối với các nước muốn phát triển thương mại điện tử.

Hội thảo quốc tế “Thương mại điện tử và Phát triển nguồn nhân lực” được đánh giá là một diễn đàn trao đổi toàn diện, sâu sắc các nội dung liên quan tới chính sách và các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử Việt Nam. Trên cơ sở đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ đề ra giải pháp đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trong thời gian tới.

Theo  Báo CT