Để có thể khai thác hết thế mạnh về nguồn khoáng sản dồi dào cho phát triển kinh tế-xã hội thì việc xây dựng một mối liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng Trung du miền núi Bắc bộ là vấn đề không thể không làm.

Theo báo cáo của Cục công nghiệp địa phương, 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp của vùng TDMNBB đạt 31.676,5 tỷ đồng, tăng 17,17% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai thác mỏ và công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 84,19% tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng. Hầu hết các sản phẩm thế mạnh của vùng vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng sản xuất như: Quặng Apatit đạt 3,866 triệu tấn, tăng 11,57%; mangan và sản phẩm từ mangan đạt 118.867 tấn, tăng 24,08%; chì thỏi đạt 10.806 tấn, tăng 6%, vàng thỏi đạt 219,7 kg, tăng 12,67%...

 

Cho dù có nguồn khoáng sản dồi dào, thậm chí đã được xuất khẩu nhưng theo phản ánh của một số địa phương các nhà máy chế biến sâu khoáng sản của vùng vẫn đứng trước nguy cơ “đói” nguyên liệu cho sản xuất.

 

Ông Nguyễn Khánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã khá lo lắng khi bày tỏ: Đến tháng 9/2013 Lào Cai sẽ khởi động nhà máy thép Việt – Trung với công suất 500.000 tấn sản phẩm/năm, đến năm 2018 sẽ đạt công suất 1,8 triệu tấn/năm. Mỗi năm nhà máy sẽ cần khoảng 40.000 tấn quặng mà chủ yếu là Magietit làm đầu vào nhưng Lào Cai hiện chỉ đáp ứng được rất ít. Nếu không có sự liên kết hỗ trợ từ các địa phương khác nhà máy thép Việt – Trung chắc chắn sẽ thiếu nguyên liệu cho sản xuất.Tương tự, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, Lạng Sơn có dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chì thỏi nhưng nguồn cung ứng quặng cho nhà máy là rất khó khăn bất chấp thực tế quặng chì được chế biến và tiêu thụ trong nước sẽ cao hơn khoảng 20 triệu đồng/tấn so với việc xuất khẩu quặng thô.

 

Không chỉ Lào Cai, Lạng Sơn đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến khoáng sản mà đây là hiện trạng khá phổ biến đối với các địa phương trong vùng. Nguyên nhân được xác định là do khó khăn trong hoạt động khai thác, chi phí vận chuyển cao, vấn đề về môi trường, giá trị quặng thô không cao... Đặc biệt, Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định rõ, tỉnh chỉ được quy hoạch, khai thác các loại khoáng sản có trữ lượng nhỏ, phân tán do Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao nhưng từ năm 2010 đến nay các tỉnh vẫn chưa được giao lại. Vì vậy, các địa phương trong vùng chưa thể lập quy hoạch và khai thác.

 

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt, theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú là vùng TDMNBB chưa tạo được sự liên kết cần thiết. “Các địa phương vẫn chưa xác định được một cách rõ ràng phương pháp, hình thức, lĩnh vực và quan trọng là chưa dung hòa được lợi ích riêng – chung do đó chưa xây dựng được liên kết một cách chặt chẽ”, Thứ trưởng nhận định.

 

Theo đó, để “nâng tầm” chiến lược phát triển công nghiệp, đồng thời giải quyết vướng mắc cho các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đề nghị Viện nghiên cứu chiến lược chính sách phát triển công nghiệp phối hợp với Cục công nghiệp địa phương sớm xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp cho vùng, qua đó giúp các địa phương trong vùng nhận biết đâu là thế mạnh, hạn chế để xác định lại mối liên kết và tìm đúng giải pháp thực hiện.Được biết, Viện nghiên cứu chiến lược chính sách phát triển công nghiệp có định hướng xây dựng quy hoạch phát triển cho vùng theo cách xác định vùng lõi và vùng đệm công nghiệp. Trong đó, 4 tỉnh có ngành công nghiệp phát triển là Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang được xác định là vùng lõi. Hy vọng với sự điều tiết của nhà nước, mong muốn liên kết “thực sự” của các địa phương, vùng TDMNBB sẽ phát huy được lợi thế của mình để phát triển.

 

Phạm Kim