Công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam là các ngành sản xuất nguyên vật liệu, phụ tùng linh kiện, các bán sản phẩm cho các ngành công nghiệp chính yếu.
Do đặc điểm Việt Nam thiếu vốn, công nghệ, thị trường nội địa nhỏ bé nên các ngành công nghiệp lắp ráp phát triển trước, các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển sau cùng với tiến trình nội địa hóa theo yêu cầu của Chính phủ. Việc phải thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển công nghệ hỗ trợ của Việt Nam (bãi bỏ các quy định bắt buộc về nội địa hóa).
Theo phương pháp đánh giá phổ biến hiện nay thì tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu để gia công trong giá thành là chỉ số đánh giá “hàm lượng công nghiệp hỗ trợ”. Ở Việt Nam hiện nay, các chuyên ngành công nghiệp có “hàm lượng hỗ trợ” cao và có triển vọng để phát triển công nghiệp hỗ trợ là các chuyên ngành: dệt-may, da-giầy, điện tử-tin học, sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, v.v...
Nhìn chung, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn chưa phát triển kịp so với nhu cầu của nền kinh tế và đây cũng là một trong những yếu tố gây ra nhập siêu và giảm sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Do đặc điểm riêng của nền kinh tế Việt Nam có nhiều nguyên nhân khác nhau bất lợi cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Trong thời gian tới, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định/hoặc Quyết định về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện sau khi Nghị định về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được phê duyệt. Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với phía Nhật Bản thực hiện Chương trình sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bộ cũng sẽ xây dựng Quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (đã được phê duyệt theo QĐ số 34/2007/QĐ-BCN) cho phù hợp với tình hình mới.
Vụ Công nghiệp nặng-Bộ Công Thương