Thực hiện chương trình công tác và được sự đồng ý của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đoàn cán bộ của Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á do đồng chí Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại Mô-dăm-bích từ ngày 03 đến ngày 11 tháng 10 năm 2009.


Trong thời gian ở thăm và làm việc tại Mô-dăm-bích, đoàn đã có các buổi gặp và làm việc với bà Ana Maria Raquel D’ Assuncao Alberto, Bí thư Thường trực Bộ Công Thương (tương đương cấp Thứ trưởng của Việt Nam); ông Sido’nio dos Santos, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp quốc gia, Bộ Công Thương; bà Safura da Conceicao, Chủ tịch Ban Tài chính quản trị - SPI của Đảng cầm quyền Ferimo; Tiến sỹ Pinto Romao, Phó Chủ tịch và ông Manuel Notico, Tổng Thư ký Phòng Thương mại; một số nhà nhập khẩu hàng tiêu dùng của Mô-dăm-bích như công ty JFS Forjadora, công ty Sol de Africa Commercio Geral Import E Export LDA và Đại sứ quán Việt Nam tại Mô-dăm-bích.

Tại cuộc gặp với đại diện Bộ Công Thương Mô-dăm-bích, đoàn đã thông báo một số thông tin về tình hình phát triển kinh tế - thương mại của Việt Nam, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mô-dăm-bích; đề nghị phía Mô-dăm-bích công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ; trao dự thảo Biên bản ghi nhớ làm việc và đề nghị phía Mô-dăm-bích ký Biên bản này trong đó nhấn mạnh nội dung Việt Nam sẵn sàng cung cấp ổn định và lâu dài mặt hàng gạo, dệt may, xi măng cho Mô-dăm-bích; đề nghị phía bạn cùng với phía Việt Nam tích cực phối hợp tổ chức các hội thảo doanh nghiệp và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai bên để tuyên truyền về thị trường của nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp xúc và mở rộng hợp tác kinh doanh với nhau.

Đại diện Bộ Công Thương Mô-dăm-bích ghi nhận tất cả các ý kiến mà đoàn nêu ra, đồng thời nhất trí cho rằng hai bên cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại và tổ chức hội thảo giới thiệu về thị trường cho các doanh nghiệp của hai nước có điều kiện tìm kiếm các cơ hội kinh doanh. Bạn cũng nhấn mạnh tới vai trò của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ và mong muốn tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp này của hai nước. Phía Bạn giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư tại Mô-dăm-bích và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, thành lập doanh nghiệp liên doanh sản xuất các các mặt hàng như: dệt may, giầy dép, hoá chất, phân bón, xi măng, thuỷ tinh, gốm sứ... để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các thị trường xung quanh thuộc khu vực Cộng đồng phát triển Miền Nam Châu Phi-SADC. Mô-dăm-bích cũng mong muốn Việt Nam giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm phát triển và trao đổi kỹ thuật xây dựng năng lực của cán bộ trong những ngành sản xuất này và ngành nuôi trồng, chế biến thuỷ sản cũng như trong việc xây dựng các kho chứa lương thực, ngũ cốc để có thể bảo quản sản phẩm được lâu dài. Đặc biệt, Mô-dăm-bích mong muốn phía Việt Nam đầu tư sản xuất dệt may để tận dụng hạn ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ và đầu tư sản xuất xi măng do Mô-dăm-bích đang có nhiều dự án xây dựng nên có nhu cầu nhập khẩu hàng triệu tấn xi măng.

Bộ Công Thương Mô-dăm-bích cho biết đang xem xét để có thể công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường vào một thời điểm thích hợp. Đồng thời, sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung thêm các nội dung liên quan vào dự thảo Biên bản đoàn đã trao và sẽ trao đổi qua kênh ngoại giao để thống nhất ký kết Biên bản nội dung làm việc.

Trong buổi làm việc với Phòng Thương mại Mô-dăm-bích, Bạn bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước và muốn có thêm thông tin về các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, xi măng, dệt may để thông tin cho các doanh nghiệp Mô-dăm-bích. Bạn cho biết các doanh nghiệp Mô-dăm-bích có nhu cầu nhập khẩu máy móc nông nghiệp từ Việt Nam để phục vụ nhu cầu trong nước. Bạn cũng mong muốn phía Việt Nam hỗ trợ ngành thuỷ sản Mô-dăm-bích phát triển. Đồng thời, Bạn cũng cho rằng cần tăng cường và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động tuyên truyền thông tin về thị trường, cơ chế, chính sách thương mại của mỗi bên cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Ngoài ra, Bạn cũng cho biết Mô-dăm-bích có khả năng cung cấp mặt hàng gỗ nguyên liệu, hạt điều thô và bông nguyên liệu cho Việt Nam do đây là thế mạnh của Bạn.

Tại buổi làm việc với Ban Tài chính quản trị - SPI của Đảng cầm quyền Ferimo của Mô-dăm-bích, đoàn đã nhắc lại các đề nghị đã nêu với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại Mô-dăm-bích và nhấn mạnh với quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nhà nước và đề nghị SPI có tác động để Bộ Công Thương sớm có ý kiến công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, ký Biên bản làm việc với nội dung Việt Nam cung cấp gạo cho Mô-dăm-bích. Bà Chủ tịch SPI ghi nhận và hứa sẽ tích cực tác động với các cơ quan của Bạn, đặc biệt là hỗ trợ để đưa gạo Việt Nam xâm nhập vào thị trường Mô-dăm-bích có hiệu quả.

Nhân dịp này, đoàn đã phối hợp với Đại sứ quán tổ chức “Ngày ẩm thực Việt Nam” giới thiệu sản phẩm bia Sài Gòn tại thủ đô Maputo. Khoảng 30 quan chức thuộc các Bộ, ngành và các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu của Mô-dăm-bích đã đến tham dự. Đáng chú ý ông Marcelino dos Santos, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội đã đến dự “Ngày ẩm thực Việt Nam” giới thiệu sản phẩm đồ uống của Việt Nam. Khách mời Mô-dăm-bích đánh giá cao chất lượng sản phẩm bia Việt Nam và quan tâm đến giá cả nhập khẩu sản phẩm này.

Đoàn cũng đi khảo sát một số trung tâm thương mại và chợ đầu mối bán gạo tại thủ đô Maputo. Qua các buổi làm việc và đi khảo sát thực tế thị trường, đoàn thấy rằng thị trường Mô-dăm-bích còn thiếu rất nhiều các loại hàng hoá, đặc biệt là các hàng tiêu dùng và lương thực thực phẩm. Giá bán lẻ các loại hàng hoá khá cao. Mặt hàng tiêu dùng bán trên thị trường chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ là hàng Trung Quốc và một phần là hàng của nước láng giềng Nam Phi. Về mặt hàng gạo, nhu cầu nhập khẩu gạo của Mô-dăm-bích là tương đối lớn, khoảng 700.000 tấn/năm với mức thuế nhập khẩu là 7,5%. Gạo được nhập khẩu trực tiếp bởi các công ty tư nhân và do Chính phủ cấp giấy phép. Gạo nhập khẩu bán trên thị trường chủ yếu là gạo Thái Lan, gạo Pakistan và gạo Việt Nam. Giá bán lẻ của gạo Thái Lan và gạo Việt Nam có sự chênh lệch. Đối với sản phẩm đồ uống, nhu cầu tiêu thụ của Mô-dăm-bích tương đối cao. Tuy nhiên, do còn nghèo nên khả năng thanh toán theo cách buôn bán thương mại quốc tế thông thường của Mô-dăm-bích còn yếu. Hình thức kinh doanh phù hợp vẫn là doanh nghiệp sang tận nơi và mở kho ngoại quan hoặc mở cơ sở kinh doanh tại chỗ, bán hàng, thu tiền trực tiếp. Phía Mô-dăm-bích mong muốn kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư sản xuất và bán hàng tại chỗ hoặc để xuất khẩu hơn là buôn bán thương mại thông thường.

Chuyến công tác của đoàn thành công tốt đẹp. Phía Mô-dăm-bích mong muốn trong thời gian tới, hai nước tiếp tục trao đổi các đoàn sang thăm và khảo sát thị trường nhằm cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và bạn hàng của nhau để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế thương mại. 

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á