Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào đã tiếp đoàn doanh nghiệp Pháp. Đoàn gồm hơn 30 doanh nghiệp Pháp do ông Frédéric Sanchez, Chủ tịch phân ban Việt Nam của Liên đoàn các doanh nghiệp của Pháp (MEDEF) dẫn đầu.


CôngThương - Tại buổi tiếp đón, ông Frédéric Sanchez cho biết: đoàn doanh nghiệp Pháp sang Việt Nam lần này với rất nhiều các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau: năng lượng, xây dựng hạ tầng, viễn thông… Là một đối tác lâu năm của Việt Nam, các doanh nghiệp Pháp mong muốn hợp tác với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực như năng lượng, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, tin học… Ông Frédéric Sanchez cũng bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ lao động trẻ, thông minh và năng động với giá nhân công không quá đắt tại Việt Nam.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho biết: Việt Nam có nhiều lợi thế, nhất là về mặt nhân công như lực lượng lao động trẻ, có trình độ, tiếp thu nhanh và đặc biệt khéo léo trong những lĩnh vực cần công nghệ cao.

Thứ trưởng cho biết thêm, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có kế hoạch phát triển đặc biệt về một số lĩnh vực và mong muốn hợp tác với các đối tác nước ngoài như: Thứ nhất là về năng lượng với những dự án về thủy điện, nhiệt điện, điện than, phát triển nguồn năng lượng mới như điện nguyên tử.

Thứ hai là lĩnh vực khai thác dầu khí. Hiện Việt Nam đã xây dựng xong nhà máy lọc dầu đầu tiên. Trong chiến lược phát triển ngành lọc hóa dầu, sẽ xây dựng thêm hai nhà máy lọc dầu tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Long Sơn (Vũng Tàu) và có thể thêm một nhà máy thứ tư tại Khánh Hòa. Dự kiến đến năm 2015, Việt Nam có thể đáp ứng 100% nhu cầu về xăng dầu chế biến. Chính vì thế, hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục chào mời các đối tác trong lĩnh vực thăm dò dầu khí.

Ưu tiên thứ ba của Việt Nam là công nghệ thông tin, viễn thông. Những năm gần đây, Việt Nam đã có tiến bộ rất nhanh về lĩnh vực này, mới đây nhất là việc phóng thành công Vệ tinh Vinasat 1 và tới đây sẽ là Vinasat 2. Việt Nam đã và đang đầu tư nhiều khu công nghệ cao để phục vụ cho phát triển lĩnh vực này như khu công nghệ cao Quang Trung (Sài Gòn), Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc (Hà Nội).

Thứ tư là về lĩnh vực cơ khí. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khoảng 15 tỷ USD về thiết bị cơ khí. Chính vì thế, Việt Nam muốn hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để phối hợp chế tạo các thiết bị công nghiệp phụ trợ.

Thứ năm là về hóa chất, nhất là về một số lĩnh vực chính như hóa dầu, phân bón, các hóa chất cơ bản và hóa dược.

Ngoài ra còn một số lĩnh vực khác như điện tử và chế tạo các thiết bị điện tử; lĩnh vực vật liệu mới, nhất là trong vật liệu mới trong ngành xây dựng vì nhu cầu xây dựng của Việt Nam hiện rất cao; lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ gen, phát triến công nghệ chế biến nông lâm ngư hải sản trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng phát triển hạ tầng, đường xá, hệ thống điện, viễn thông, cảng biển…

Kết thúc buổi gặp gỡ, cả hai bên tin tưởng rằng với kinh nghiệm hợp tác về thương mại trên 15 năm qua, đoàn doanh nghiệp Pháp và Việt Nam sẽ tìm được nhiều cơ hội hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là về năng lượng, điện, dầu khí, viễn thông…
 

Nguyễn Duyên-Báo CT