Vài năm trở lại đây tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch, gốm tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp rất nhiều khó khăn, do giá bán liên tục giảm nhưng chi phí nguyên vật liệu ngày càng cao. Trước thực tế đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, thông qua việc hỗ trợ đầu tư chuyển đổi công nghệ đã giúp tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho các đơn vị.


Vĩnh Long là địa phương có số lượng lò gạch, gốm thủ công lớn nhất vùng, với trên 1.200 cơ sở, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động ở địa phương. Vài năm trước gạch, gốm là sản phẩm chủ lực của Tỉnh, tuy nhiên, những năm gần đây do thị trường tiêu thụ trầm lắng, trong khi chi phí sản xuất tăng cao, nên sản phẩm gạch, gốm gặp rất nhiều khó khăn về giá bán và đầu ra. Đã có không ít cơ sở phải ngừng hoạt động. Xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thiết bị sản xuất lạc hậu, nên nhiều doanh nghiệp đã ưu tiên đầu tư, chuyển đổi công nghe sản xuất.


Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Năm Vàng – Vĩnh Long đã mạnh dạn thay thế những lò nung gạch, gốm truyền thống của mình bằng những lò đốt liên hoàn (tức liên kết nhiệt độ chung của các lò đốt thay vì chỉ một lò như trước) theo chương trình tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương. Nhờ nhận được sự hỗ trợ tích cực của ngành Công Thương địa phương nên chỉ sau một năm thực hiện đã mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Ông Hồ Văn Vàng Giám đốc  cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi công nghệ cho ngành vật liệu xây dựng và gạch gốm rất quan trọng. Trước đây, Công ty sản xuất theo truyền thống nên chi phí sản xuất rất cao và gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng lò đốt liên hoàn, giảm khói bụi đến 80%, chất đốt giảm 40%, rút ngắn thời gian tới 80% và tỷ lệ hao hụt giảm gần 10%. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn bởi song song đó là giá thành sản phẩm sẽ giảm đồng thời bảo vệ môi trường.


Cùng với việc đầu tư lò đốt liên hoàn, để nâng cao tính cạnh tranh các cơ sở sản xuất gạch gốm vùng ĐBSCL còn đẩy mạnh đổi mới công nghệ ở các khâu như: Nhào, trộn, cắt gọt và định hình sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm làm ra có mẫu mã và chất lượng cao hơn rất nhiều lần so với cách làm truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Bích Huyền – Sóc Trăng cho biết: Để sản xuất tốt có tính cạnh tranh trong ngành vật liệu xây dựng là phải đổi mới máy móc thiết bị làm sao sản phẩm mình đưa ra thị trường mẫu mã phải đẹp và giá cả phải cạnh tranh. Từ đầu năm 2015, sản phẩm chúng tôi làm không đủ bán và đưa ra thị trường.


Nhờ đẩy mạnh đổi mới về công nghệ sản xuất nên những sản phẩm vật liệu xây dựng tại đây về mẫu mã và chất lượng liên tục tăng cao. Từ đó, đáp ứng nhu cầu xây dựng của địa phương cũng như các tỉnh, thành lân cận. Không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp, mà việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất còn mang lại lợi ích cho người lao động. Bởi lâu nay môi trường sản xuất ở các lò gạch, gốm thủ công truyền thống rất nguy hại và trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Chưa dừng lại đó, công nghệ hiện đại còn góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện thu nhập cho những người gắn bó với công việc này.


Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có đến hàng ngàn cơ sở sản xuất gạch, gốm lớn nhỏ. Theo kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình hạn chế, xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thì đến sau năm 2020 các lò thủ công phải tháo dỡ, xóa bỏ nếu không cải tiến công nghệ sản xuất đạt quy chuẩn Việt Nam. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư, cải tiến công nghệ sản xuất, sẽ góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy phát triển nghề sản xuất gạch gốm nói riêng, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các địa phương nói chung ngày càng bền vững hơn./.

 

CTV