Quy hoạch Công nghiệp địa phương
Đã từ lâu, bất kỳ một công trình xây dựng lớn, nhỏ nào ở Tỉnh Bình Thuận cũng đều cần đến những viên đá chẻ. Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh Bình Thuận có khoảng 56 cơ sở khai thác đá chẻ.


Một ngày bình quân sản xuất ra khoảng trên 19.000 viên, được chuyển đến các công trình xây dựng, tập trung nhiều nhất cho xây dựng các khu Công nghiệp trong tỉnh. Những người thợ làm nghề chẻ đá hầu hết là những thanh niên khỏe mạnh, cường tráng. Hàng ngày họ đổ mồ hôi trên hòn đá để kiếm tiền sinh sống. Nếu có dịp đến các cơ sở sản xuất đá chẻ mới biết họ làm việc rất vất vả.


Vào những ngày đầu tháng 8 năm 2010, chúng tôi về Thôn 1, Xã Huy Khiêm, Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình Thuận, là một trong những khu vực có trữ lượng đá lớn nhất trong tỉnh. Hình ảnh trước mắt chúng tôi là những bãi đá đang được những người thợ “chặt, chẻ” ra từng viên đá vuông thành sắc cạnh để xây dựng lên những công trình, trường học, nhà ở...điều làm tôi ngạc nhiên là một trong những bãi đá có trữ lượng cao nhất lại là bãi đá sau nhà Bà Bảy ở Thôn 1, Xã Huy Khiêm, cách mặt đường khoảng gần 100 mét. Tôi quyết định dừng xe lại và tìm hiểu công việc từ những người làm nghề đá chẻ xem cuộc sống của họ ra sao?


Trước mắt tôi là bãi đá có đầy những viên đá vuông vắn mới được bàn tay người thợ tạo ra. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy tảng đá to như cái nhà nhỏ bị chia cắt ra làm nhiều viên đá vuông vắn. Tôi hỏi một người thợ đục đá về cách “chặt, chẻ” từng viên đá có khó khăn? Anh Tám Thành năm nay 32 tuổi là một thợ đục đá ở đây cho biết: “Tôi làm nghề này đã trên 10 năm, kiếm được đồng tiền nuôi sống gia đình cũng khá vất vả, không phải chuyện dễ. Để sản xuất ra viên đá, chỉ cần đục một hàng lỗ sâu từ 14 đến 16 cm, sau đó nhét cái chạm vào bẩy rồi hòn đá nó toác ra…”. Nói thế nhưng khi tôi muốn trực tiếp nhìn anh đục vài lỗ thì khá khó khăn vì 5 nhát búa giáng xuống hòn đá rất mạnh nhưng chỉ khoét được cái lỗ bỏ vừa hạt ngô mà anh đã toát mồ hôi. Tôi hỏi thêm, thế Anh làm một ngày được bao nhiêu viên đá? Anh Thành cho biết thêm: “Khỏe như tôi đây nhưng một ngày cũng chỉ làm được khoảng 40 viên đá có chiều rộng từ 20 đến 25cm, chiều dài 30 đến 35cm, chiều cao khoảng 20cm. giá bán 2.800 đồng/viên, nhưng tụi tôi làm nghề đục đá chỉ được hưởng 2.000 đồng/viên, số tiền 800 đồng, ông, bà chủ bãi đá hưởng…”.


Như vậy, một thanh niên lực lưỡng làm nghề đục đá như Anh Thành cũng chỉ thu nhập được khoảng 80.000đồng/ngày, một tháng cũng phải nghỉ vài ngày nên có thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy thì những người thợ đục đá cũng chỉ sống qua ngày không có tích lũy. Khó khăn là như vậy, nhưng người thợ đục đá vẫn phải theo đuổi để kiếm sống bởi vì văn hóa của họ không cao, không có bằng cấp gì cả, thậm chí không biết chữ, ấy thế mà trong xã hội vẫn cần có những người thợ đục đá vì có họ mới có sản phẩm những viên đá vuông vắn phục vụ cho ngành xây dựng.


Những người thợ đục đá có thu nhập thấp, còn những ông chủ, bà chủ thì sao? Tôi gặp Bà Huỳnh Thị Nhi chủ một bãi đá có trữ lượng khá, Bà Nhi cho biết: “Là chủ bãi đá, tôi hưởng 800 đồng/viên đá do người thợ làm ra, nhưng phải chi phí đủ việc, nào là đóng thuế hàng tháng, giao dịch bên ngoài để thợ có việc làm, chi phí tiếp khách mỗi khi cán bộ tài nguyên huyện, tỉnh về làm việc...”. Thật vất vả cho nghề khai thác đá, dù thu nhập không cao so với sức lao động bỏ ra nhưng họ vẫn theo “cái nghiệp” này vì không làm nghề này thì biết làm gì để sống?


Vùng đất Xã Huy Khiêm có nguồn đá nhiều vô tận, cũng may trời cho những tảng đá lại nằm ngay sát đường lộ nên cũng dễ vận chuyển, ăn theo đầu viên đá để sống qua ngày. Thật nực cười, Bà Nhi như một bà chủ bãi đá trên 10 năm nay thế nhưng đến nay bà và gia đình vẫn sống trong căn nhà cấp 4 lợp tol ci măng dạng trung bình.


Nghe và nhìn thấy trực tiếp cái nghề đục đá và những người chủ bãi đá, tôi miên man suy nghĩ: Từ xưa đến giờ nghề đục đá này hoàn toàn đi ngược lại quy luật phát triển của xã hội. Trong khi nghề sản xuất ra cát, xi măng, gạch và hàng loạt loại vật liệu xây dựng khác đều được cơ giới hóa, được sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ cao, thì cái nghề đục đá vẫn cứ đục gõ như xưa. Điều kiện khai thác ngày càng khó, sức người ngày càng suy giảm…nhưng chuyện nâng giá viên đá lên thì không hề dễ chút nào. Mặc dù giá cả viên đá do thị trường quyết định nhưng nói sao để cho giá viên đá cao hơn giá cát, xi măng, gách thì mới có sự công bằng? Giá cả các mặt hàng tiêu dùng ở thị trường tăng cao gấp nhiều lần so với giá viên đá, khiến cho những giọt mồ hôi đổ trên viên đá bị mất giá theo. Bởi vậy, nhiều người đục đá tìm cách chuyển sang nghề làm rẫy, bốc vác thuê ở các bến cảng, có người chuyển sang chạy xe ôm…để hy vọng có cuộc sống tốt hơn và có thể thay đổi cuộc đời.
Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất đá chẻ ở xã Huy Khiêm
 

Bài và ảnh: Đỗ Khắc Thể
Phòng NN – PTNT – HTB – BT