Ông Ngô Đức Tiến, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Hà Nam) cho biết: Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án Phát triển làng nghề giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh đã có 106 làng có nghề thuộc địa bàn của 81/109 xã, đạt gần 80% mục tiêu đề ra. Năm 2009, tỉnh Hà Nam phấn đấu sẽ thực hiện xong đề án này trước một năm so với kế hoạch.
 
          Theo ông Ngô Đức Tiến, mục tiêu của đề án đến năm 2010 là mỗi xã trên toàn tỉnh phải có ít nhất một làng có nghề (làng nghề tiểu thủ công nghiệp hoặc làng nghề truyền thống). Kinh phí hỗ trợ các địa phương xây dựng làng nghề được lấy từ các nguồn như: kinh phí sự nghiệp khuyến công (Trung ương, tỉnh, huyện và của địa phương); vốn đầu tư của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh; vốn vay tín dụng, ưu đãi và các nguồn khác… Riêng nguồn Quỹ khuyến công hàng năm đã hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, tạo việc làm cho từ 3.000-5.000 lao động, đồng thời gắn kết việc đào tạo nghề với doanh nghiệp để đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động sau đào tạo, phát triển nghề ở địa phương góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
 
           Hiện nay, 28 xã còn lại của tỉnh Hà Nam đã đăng ký xây dựng làng có nghề theo Đề án Phát triển làng nghề giai đoạn 2006-2010 và gửi hồ sơ về Sở Công Thương xem xét, hướng dẫn hoàn thiện nốt một số thủ tục để thẩm định, hoàn chỉnh và ra quyết định phê duyệt. Theo tiêu chuẩn để công nhận một làng có nghề là làng đó phải có ít nhất 20% số lao động của làng làm nghề có thu nhập ổn định và đạt giá trị sản xuất trên 20% so với tổng giá trị sản xuất của làng./.
 
                                                              Uông Lam