Vừa qua, thực hiện nhiệm vụ khuyến công quốc gia 2018, Cục Công Thương địa phương (CTĐP) đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá việc duy trì hiệu quả của các đề án khuyến công quốc gia (KCQG) thực hiện trong năm 2017 tại một số địa phương trên cả nước.

Kết quả đánh giá chung cho thấy, việc thực hiện các đề án hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) như: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất,…  đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của đơn vị thụ hưởng, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, hạ giá thành, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Kiểm tra tình hình thực hiện công tác khuyến công năm 2018 và đánh giá việc duy trì hiệu quả của đề án KCQG năm 2017, tại tỉnh Thái Nguyên, Đoàn công tác đã đến kiểm tra trực tiếp tại Công ty cổ phần Đúc Thái Nguyên. Năm 2017, Công ty được hỗ trợ 200 triệu đồng, thực hiện đầu tư máy móc vào sản xuất đúc kim loại. Theo đó, Công ty đã đầu tư được 01 bộ máy rung cát, công suất 10 tấn/giờ. Thời điểm kiểm tra, máy móc thiết bị được hỗ trợ đang hoạt động tốt, cho ra sản phẩm được thị trường tiêu thụ ổn định. Công ty đang có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất trong thời gian tới.

Tại Bắc Ninh, kiểm tra đánh giá hiệu quả đề án: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Công ty Đồng Âu Lạc-TNHH cho thấy, với kinh phí KCQG hỗ trợ 200 triệu đồng, Công ty đã đầu tư mua 01 máy khắc laser, tốc độ khắc 7000mm/s. Hiện tại máy móc thiết bị được hỗ trợ đang hoạt động tốt, phát huy hiệu quả, sản phẩm đầu ra có chất lượng ổn định. Đơn vị thụ hưởng cho biết, sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu và cung cấp cho các nhà sản xuất lớn trong nước. Công ty đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại hơn nữa vào sản xuất.

Cũng tại Bắc Ninh, sản phẩm của Công ty TNHH In và Bao bì Châu Thái Sơn sau khi thực hiện đề án: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bao bì carton cao cấp với kinh phí KCQG hỗ trợ 500 triệu đồng, đã đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng khó tính (như tập đoàn Samsung). Sản phẩm của Công ty hiện chủ yếu cung cấp cho các doanh nghiệp khối FDI.

Đánh giá việc duy trì hiệu quả của đề án KCQG năm 2017 tại Đà Nẵng, Đoàn công tác đã kiểm tra tại Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và Thương mại Tiến Hưng. Năm 2017, Công ty được hỗ trợ 200 triệu đồng thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất ống nhựa PVC”.  Công ty đã đầu tư máy sản xuất ống nhựa PVC  76-250mm, công suất 150 - 200 kg/giờ.  Đến nay, máy móc thiết bị được đầu tư mang lại hiệu quả cao: Sản phẩm được tiêu thụ mạnh mẽ trên thị trường, các đơn đặt hàng ngày càng tăng về số lượng, dây chuyền sản xuất luôn phải hoạt động với 100% công suất. Hiện Công ty đang lên phương án tiếp tục mở rộng sản xuất với tổng mức dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ đồng.

Năm 2017, hoạt động KCQG đã thực hiện 278 đề án, với nguồn kinh phí thực hiện trên 110 tỷ đồng. Từ các kết quả kiểm tra cho thấy, hoạt động khuyến công đã tác động tích cực đến sự phát triển của các cơ sở CNNT. Sau khi có sự hỗ trợ từ các chương trình khuyến công, cơ sở CNNT đã đầu tư mở rộng sản xuất, sản phẩm được nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Các ngành nghề được hỗ trợ đều gắn trực tiếp nguồn nguyên liệu tại địa phương, tạo thêm nhiều việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn. Các đơn vị thụ hưởng đều mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các chương trình khuyến công để cơ sở CNNT có điểm tựa, sự động viên, đồng hành với cơ sở CNNT trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất.

 

KC- ARIT