Chiều ngày 27 tháng 7 năm 2023, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Cục Công Thương địa phương (CTĐP) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVII năm 2023.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở Công Thương, lãnh đạo đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đại diện UBND một số huyện của tỉnh Quảng Ninh; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Cục CTĐP; một số cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung và Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh Nguyễn Thị Hiền đồng chủ trì Hội nghị.

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh phát biểu chào mừng Hội nghị

Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị

Kết quả tích cực

Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, kinh tế nước ta cũng chịu tác động đáng kể, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến công trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã bám sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, thực trạng và nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn, nỗ lực phấn đấu, chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức triển khai các nội dung hoạt động khuyến công kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở CNNT phát triển sản xuất, kinh doanh và đạt được những kết quả tích cực.

Ảnh: Phó Cục trưởng Dương Quốc Trịnh trình bày Báo cáo tại Hội nghị

Theo báo cáo, năm 2022 tổng kinh phí khuyến công thực hiện của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 170,4 tỷ đồng, đạt 95,2% so với kế hoạch năm. Trong đó: Tổng kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) thực hiện là 79,5 tỷ đồng, đạt 98,3% so với kế hoạch. Tổng kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) thực hiện là 90,9 tỷ đồng, đạt 92,6% so với kế hoạch. Một số địa phương trong khu vực tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nghệ An, Phú Thọ, Bắc Giang,...

Hoạt động khuyến công của vùng đã hỗ trợ xây dựng 15 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 426 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; 02 cơ sở CNNT được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn. Trong đó, KCQG hỗ trợ xây dựng 11 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 177 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp. KCĐP hỗ trợ xây dựng 4 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới và mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại cho 249 cơ sở CNNT; hỗ trợ 02 cơ sở CNNT đánh giá sản xuất sạch hơn. Đây là chương trình thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong việc đầu tư xây dựng mô hình, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị vào sản xuất với số vốn đầu tư hơn 550 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ  các cơ sở CNNT phát triển sản phẩm, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ 2.141 gian hàng tiêu chuẩn cho 969 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ bình chọn 174 sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp cho 154 lượt cơ sở CNNT; 29 cơ sở CNNT được hỗ trợ in, dán nhãn logo chương trình bình chọn; hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu cho 18 cơ sở CNNT và 12 cơ sở CNNT được hỗ trợ phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm CNNT;...

Bên cạnh đó, đã tổ chức đào tạo nghề cho 180 lao động, trên 80% lao động có việc làm sau đào tạo; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn cho 670 đối tượng là cán bộ quản lý điều hành của các cơ sở CNNT; tổ chức được 05 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 520 đại biểu tham dự...

Năm 2023, theo báo cáo, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 177,2 tỷ đồng, thấp hơn 1,07% so với kế hoạch năm 2022, trong đó: Kinh phí KCQG giao theo kế hoạch là 82,6 tỷ đồng; kinh phí KCĐP giao theo kế hoạch là 94,6 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 53,2 tỷ đồng, đạt 30,02% kế hoạch năm, cao hơn 131,1% so với cùng kỳ. Trong đó: Kinh phí KCQG ước thực hiện 34,1 tỷ đồng đạt 41,3% kế hoạch năm; Kinh phí KCĐP ước thực hiện 19,1 tỷ đồng đạt 20,2% kế hoạch năm

Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp (TVPTCN) được các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương tích cực thực hiện trong năm 2022, với 240 dự án, doanh thu đạt 14,55 tỷ đồng. Nội dung TVPTCN chủ yếu trong các lĩnh vực như: Tư vấn xây lắp điện, năng lượng; tư vấn thiết kế, giám sát công trình xây lắp; tư vấn các dịch vụ khác. Theo kế hoạch năm 2023, các đơn vị đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện TVPTCN với dự kiến 206 dự án. 6 tháng đầu năm 2023, đã tư vấn cho 86 dự án, doanh thu đạt 5,89 tỷ đồng, đạt 51,5% kế hoạch năm.

Tại Hội nghị các đại biểu đều thống nhất với báo cáo về tình hình hoạt động khuyến công khu vực phía Bắc năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình. Các hoạt động khuyến công được triển khai đa dạng, trong đó các nội dung về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm CNNT... tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh, đã khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Hoạt động TVPTCN tiếp tục tạo thêm nguồn thu sự nghiệp cho các tổ chức dịch vụ khuyến công tại một số địa phương; dần mở rộng hướng phát triển tích cực cho các đơn vị sự nghiệp trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong bối cảnh mới.

Ảnh: Đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc còn có một số hạn chế cần được khắc phục, như: Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục; một số đơn vị chưa theo sát tình hình sản xuất của các cơ sở CNNT dẫn đến đề án phải ngừng hoặc điều chỉnh. Hầu hết các địa phương còn chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa và phát huy lợi thế cạnh tranh. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí tăng cường ngân sách cho hoạt động khuyến công...

Ảnh: Đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Các đại biểu cũng tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn thời gian qua; nêu ý kiến về việc cần sớm giao kinh phí khuyến công hàng năm; về ban hành tiêu chuẩn định mức, đơn giá dịch vụ công trong hoạt động khuyến công; về hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, phát triển, áp dụng các giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hướng dẫn mô hình, cơ cấu tổ chức của Trung tâm khuyến công cấp tỉnh thống nhất trong cả nước… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác khuyến công trong thời gian tới.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công

Ảnh: Cục trưởng Ngô Quang Trung phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Ngô Quang Trung thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương ghi nhận, công tác khuyến công của cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói riêng những tháng vừa qua đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh để nắm bắt diễn biến tình hình của các đơn vị thụ hưởng trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả. Để hoàn thành kế hoạch khuyến công của từng địa phương và toàn khu vực trong những tháng cuối năm 2023. Cục trưởng Ngô Quang Trung nhấn mạnh: Các địa phương, đơn vị cần tập trung theo dõi, đôn đốc thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2023; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án.

Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2024, tiếp tục đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch theo hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm. Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;

Triển khai các nhiệm vụ khuyến công theo mục tiêu phát triển công nghiệp vùng được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho các vùng trong khu vực phía Bắc. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động khuyến công, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông về cơ chế, chính sách và những điển hình trong các hoạt động khuyến công; tăng mạnh số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt và chủ động tham gia chương trình. Chú trọng tăng cường các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương.

Cục trưởng Ngô Quang Trung cũng đặc biệt lưu ý: Các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021-2025; văn bản số 3384/BCT-CTĐP ngày 15 tháng 6 năm 2022 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn. Nhận thức sâu sắc và cụ thể hóa nội dung về công tác khuyến công được đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCHTW Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ở quy mô toàn quốc, đề nghị các Sở Công Thương, UBND cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở và cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở CNNT tập trung rà soát, nhận diện đầy đủ những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai các nội dung hoạt động khuyến công thời gian qua; nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho Bộ Công Thương hướng đi, nội dung mới trong Nghị định mới quy định về hoạt động khuyến công. Sở Công Thương tiếp tục xác định rõ vai trò là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương; phối hợp chặt chẽ các Sở ngành liên quan, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công. Kiện toàn tổ chức theo hướng giữ nguyên đơn vị sự nghiệp thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ về khuyến công để đảm bảo thực hiện hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành Công Thương theo quy định của pháp luật. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến công ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả: đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện. Xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.

Ghi nhận và động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Cục trưởng Ngô Quang Trung đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 6 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công năm 2022.

Ảnh: Trao Bằng khen của Bộ trưởng BCT cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công năm 2022

Cũng tại Hội nghị, toàn thể đại biểu thống nhất đề nghị trao quyền đăng cai tổ chức hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII, năm 2024 cho Sở Công Thương thành phố Hà Nội

Ảnh:, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội nhận cờ đăng cai tổ chức Hội nghị năm 2024

QLKC