Ngày 21 tháng 11 năm 2012, Ủy ban nhân tỉnh Sơn La đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại địa bàn tỉnh Sơn La theo quy định Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”.


Đây là tỉnh thứ 11 trong 12 tỉnh được lựa chọn đại diện cho các vùng trong cả nước đã hoàn thành việc xây dựng mô hình và tổ chức tổng kết.Tham dự Hội nghị, về phía các cơ quan Trung ương có Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng Lãnh đạo các đơn vị liên quan (Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại miền núi, Vụ Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại) trực thuộc Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp có mạng lưới kinh doanh siêu thị lớn như: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Siêu thị Vinatex Mart, Công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí Phú Mỹ, v.v...

Về phía địa phương, có đồng chí Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cùng đại diện các Sở, ngành và lãnh đạo các huyện, xã của tỉnh Sơn La. Ngoài ra, còn đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hộ nông dân tham gia mô hình và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản trên địa bàn tỉnh.

Sơn La là tỉnh miền núi cao thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, dân số 1.092.700 người, 86% sống ở nông thôn. Tỉnh Sơn La bao gồm 1 thành phố và 10 huyện trực thuộc tỉnh, trong đó: có 206 xã phường, thị trấn (có 189 xã). Diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng là 888.412,15 ha, chiếm 62,68% tổng diện tích đất tự nhiên, đất phi nông nghiệp là 63.600 ha, đất chưa sử dụng là 465.431 ha. Sơn La có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp với những điều kiện sinh thái khác nhau, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hoà phù hợp với các loại cây công nghiệp và cây ăn quả, như: ngô ở huyện Phù Yên; cây chè ở vùng Mộc Châu; cà phê, cây mía ở Mai Sơn; cao su ở Mường La,...

Trong quá trình xây dựng mô hình, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La, Bộ Công Thương, Sở Công Thương Sơn La đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai trong thực tiễn.

Mô hình thí điểm đã đem lại một số kết quả chủ yếu như: tổng số hộ nông dân tham gia mô hình thí điểm đạt 197 hộ với 370 ha (trong đó đối với mô hình DN - Hợp tác xã - Nông dân có 102 hộ nông dân trồng mía với diện tích là 70ha; mô hình DN – Hộ kinh doanh – Nông dân có 95 hộ nông dân trồng mía với diện tích là 300ha); tổng số lượng vật tư nông nghiệp cung ứng qua 2 mô hình ước đạt 1.253,8 tấn (trong đó giống đạt 984,5 tấn, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đạt 269,3 tấn).

Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình thí điểm đã đem lại những kết quả chủ yếu về kinh tế-xã hội như:

- Đối với hộ nông dân: được cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, không phải lo vốn và sản phẩm sản xuất ra được bao tiêu toàn bộ với giá cả có lợi cho nông dân nên yên tâm sản xuất; đồng thời, các hộ còn được tham quan, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao kiến thức về pháp luật trong thực hiện hợp đồng nhất là kỹ thuật sản xuất nên năng suất, chất lượng và lợi nhuận cao hơn so với trước khi tham gia mô hình.

- Đối với hộ kinh doanh: hoạt động kinh doanh ổn định, tận dụng được nguồn lực sẵn có của gia đình, tăng thu nhập cho hộ.

- Đối với doanh nghiệp: có nguồn nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào chế biến, giá thành ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất đạt hiệu quả, mở rộng được thị trường và nâng cao uy tín của doanh nghiệp với nông dân.


Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã biểu dương sự cố gắng và những thành tích của Sở Công Thương Sơn La cùng các Sở, ban ngành, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ nông dân trong tỉnh đã tích cực xây dựng và triển khai mô hình trong thực tiễn. Để có thể duy trì và nhân rộng mô hình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng đã có một số đề nghị đối với UBND tỉnh và các đơn vị liên quan:

- Trên cơ sở kết quả của Hội nghị tổng kết, Sở Công Thương Sơn La cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện mô hình để tiến hành nhân rộng trên địa bàn tỉnh Sơn La theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Sở Công Thương Sơn La cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách, giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể tham gia mô hình theo hướng cụ thể hóa các chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn qui định tại Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia…); đồng thời lồng ghép dự án xây dựng mô hình với các Chương trình, dự án khác trên địa bàn để tăng thêm nguồn lực, như: đưa hàng Việt về nông thôn thông qua hệ thống hợp tác xã và chợ truyền thống,….

- Đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, tăng cường công tác dồn điền đổi thửa nhằm tạo điều kiện cho việc sản xuất, thu mua nông sản được thuận lợi.

- Triển khai có hiệu quả qui hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn theo qui định tại Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các qui hoạch khác có liên quan nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới kinh doanh ở địa bàn nông thôn.
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác khuyến nông, khuyến công trên địa bàn tỉnh nhằm hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân trên địa bàn.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những lợi ích lâu dài của việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp; về kinh nghiệm của Sơn La trong việc xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản; đồng thời biểu dương những chủ thể tham gia mô hình có nhiều thành tích.

- Tăng cường công tác chống buôn lậu, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; vi phạm pháp luật về giá, trốn lậu thuế và các hành vi gian lận thương mại khác; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể sản xuất, kinh doanh chân chính và lợi ích của người tiêu dùng.

Ngoài ra, để tiếp tục hưởng ứng Chương trình hành động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đồng thời, đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản, hàng hóa được sản xuất trên địa bàn tỉnh Sơn La, đề nghị các doanh nghiệp của tỉnh Sơn La liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh (nhất là các doanh nghiệp có hệ thống siêu thị rộng khắp như: Hapro, Intimex, Saigon Co.op, Vinatex Mart,…) để đưa các mặt hàng nông sản – thực phẩm vào hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (điển hình là Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí Phú Mỹ,…) để cung ứng cho nông dân theo hướng bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý.

 


Vụ Thị trường trong nước