Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Đan Mạch đã hỗ trợ Việt Nam trong việc đối phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, phát triển điện gió, v.v… Thứ trưởng nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, xu thế tăng trưởng xanh trên thế giới và trong đó có Việt Nam phát triển rất rõ rệt. Tôi tin tưởng rằng Hội thảo sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp hai nước tham dự trong việc trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ năng lượng điện gió.”
Tại Hội thảo, Công ty Vestas, nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất thế giới của Đan Mạch và Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý đã công bố quan hệ hợp tác phát triển phong điện ở Việt Nam. Phát biểu tại Hội thảo, ông Martin Lidegaard, Bộ trưởng Bộ Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Xây dựng Đan Mạch cho rằng: “Chúng tôi rất vui mừng về cơ hội hợp tác giữa Vestas và một doanh nghiệp được biết đến từ lâu như Công lý. Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ tạo cơ hội để thúc đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển phong điện cho cả Việt Nam và Đan Mạch trong thời gian tới. Thị trường Việt Nam đang tăng trưởng rất đáng kể và chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng quan hệ hợp tác này sẽ thành công lâu dài. Đan Mạch muốn chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực tăng trưởng xanh để giúp các quốc gia sẽ cùng nhau tiến bộ trong đó có Việt Nam”.
Giai đoạn một của quan hệ hợp tác (từ tháng 11 năm 2012 đến tháng 1 năm 2013) sẽ bao gồm một nghiên cứu chung đánh giá môi trường kinh doanh, thị trường năng lượng và tiềm năng năng lượng gió hiện nay ở Việt Nam cũng như các cơ hội phát triển. Trên cơ sở nghiên cứu này, Vestas và Công lý sẽ xác định chiến lược hợp tác hiệu quả nhất nhằm triển khai và thực hiện tại Việt Nam.
Quan hệ hợp tác này được thực hiện dưới sự bảo trợ của cơ quan hợp tác phát triển thuộc Bộ Ngoại giao Đan Mạch và sẽ mở đường cho sự tăng cường liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước Đan Mạch và Việt Nam – báo hiệu một thời kỳ hợp tác mới giữa hai nước trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đang rất chú trọng phát triển nguồn năng lượng sạch từ tiềm năng gió tại các khu vực trọng điểm trong cả nước. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (trong đó có điện gió) sẽ được đặc biệt ưu tiên đưa nguồn điện gió từ 1.000 MW năm 2020 lên khoảng 6.200 MW vào năm 2030. Ngoài ra còn rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các nhà đầu tư.
Năng lượng gió được đánh giá là thân thiện nhất với môi trường và ít gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội. Theo số liệu khảo sát năng lượng gió gần đây của tổ chức thế giới GTZ thì tại Đồng bằng Sông Cửu Long thuộc tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… thì tiềm năng gió ở những vùng ven biển và ngoài khơi rất cao và dễ khai thác, thuận lợi cho việc đầu tư các nhà máy điện gió.
Hội thảo đã nghe ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Công ty Công lý trình bày về kinh nghiệm thực hiện dự án phong điện ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đó, nắm bắt nhu cầu và cơ hội đầu tư, sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, đầu năm 2010 Công ty Công lý quyết định đầu tư dự án nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu công suất 99,2 MW. Sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ cung cấp hàng năm khoảng 320 triệu Kwh điều hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần ổn định an ninh năng lượng, giảm lượng phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai đầu tư giai đoạn 1 của dự án cũng còn không ít khó khăn: Dự án có quy mô công suất và vốn đầu tư lớn, công nghệ mới và kỹ thuật phức tạp, các nhà thầu trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thi công xây dựng, lắp đặt, do đó không tránh khỏi các phát sinh chưa lường hết được trong quá trình thi công. Dự án được đầu tư xây dựng các trụ turbine gió trên vùng đất bãi bồi ven biển có địa hình, địa chất tương đối phức tạp và chịu ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt mưa bão, sóng to gió lớn kết hợp với chế độ thủy triều không ổn định.
Qua thực tế thực hiện đầu tư xây dựng thành công giai đoạn 1 dự án điện gió tỉnh Bạc Liêu, Công ty Công lý đúc kết một số bài học kinh nghiệm trong việc đầu tư các dự án điện gió như: Cần lựa chọn các nhà tư vấn giỏi có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng gió để tư vấn lập dự án ngay từ đầu; Lựa chọn các nhà cung cấp thiết bị turbine gió có công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật tốt, có công suất phù hợp điều kiện địa chất, địa hình vùng ven biển và chế độ gió tại các địa điểm đầu tư xây dựng dự án là rất quan trọng và cần thiết; Quản lý dự án phải có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chuyên gia giỏi, cán bộ quản lý có trình độ, năng lực, kinh nghiệm; Quá trình thi công các móng trụ turbine gió ngoài biển có địa hình và chế độ thủy triều phức tạp, đòi hỏi phải có nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tốt và công nhân lành nghề, đã từng thi công các công trình tương tự trên biển; Nhà thầu phải có năng lực tài chính và biện pháp tổ chức thi công tốt, tối ưu để phù hợp địa hình là điều kiện tất yếu.
Các ý kiến tại Hội thảo cũng nhất trí cho rằng, thành công của dự án điện gió Bạc Liêu sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc mở ra hướng thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió nói chung tại Việt Nam và các dự án điện gió sắp được triển khai tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, góp phần trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch, tái tạo tại Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ.
Nguồn: moit.gov.vn