Quy hoạch các ngành công nghiệp
Ngày 30/9, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương, UBND TP.HCM và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử TP.Hồ Chí Minh.

 

Ông Trần Hữu Linh- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, TP.HCM địa phương tiên phong trong việc áp dụng thương mại điện tử (TMĐT). Vì vậy, Bộ Công Thương cùng với UBND TP.HCM xây dựng một thỏa thuận hợp tác nhằm phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách ở trung ương với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và tổ chức đại diện cho các DN về TMĐT.

Hiện trên địa bàn thành phố đã có 50% DN đăng ký cấp phép kinh doanh qua mạng, 14 đơn vị triển khai thí điểm chữ ký điện tử, 24 quận, huyện và 5 sở, ban, ngành thực hiện “một cửa điện tử”. Tuy nhiên, theo khảo sát ý kiến từ DN của Sở Công Thương TP.HCM, dù kinh tế TP.HCM phát triển rất mạnh nhưng hoạt động TMĐT vẫn chưa phát triển xứng tầm do môi trường pháp lý về giao dịch TMĐT chưa hoàn thiện, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu, nhận thức về TMĐT của người dân và DN còn thấp, môi trường xã hội và tập quán kinh doanh của Việt Nam chưa thích hợp...

TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2015 phát triển TMĐT với 100% DN lớn, vừa và nhỏ sử dụng thường xuyên thư điện tử trong kinh doanh; 80% DN lớn có trang thông tin điện tử, quảng bá sản phẩm. Trong đó tập trung vào chủ trương lớn là ưu tiên hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước bằng TMĐT.

Để TMĐT trở thành công cụ hữu dụng trong hoạt động kinh tế, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh - cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tạo điều kiện thuận lợi để cung ứng dịch vụ hỗ trợ hoạt động TMĐT như thanh toán trực tuyến, chứng thực chữ ký số, bảo mật thông tin, tiến tới khép kín quy trình giao dịch TMĐT trực tuyến.

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh khẳng định, lễ ký kết giữa ba bên gồm Sở Công Thương TP.HCM- Cục TMĐT-CNTT và VECOM, nhằm mục đích cụ thể hóa kế hoạch phát triển TMĐT Việt Nam 2011-2015; để đến năm 2015, TMĐT của Việt Nam được sử dụng phổ biến và đạt mức tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Muốn vậy, cộng đồng DN cần nỗ lực nhiều hơn trong khâu đầu tư trang thiết bị về CNTT, hỗ trợ và chuyển giao giữa các DN với nhau về kinh nghiệm TMĐT. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần sớm rà soát các văn bản pháp quy về TMĐT để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đề xuất những cách làm hay, hiệu quả để phát triển nhanh, đúng hướng theo yêu cầu của phát triển kinh tế.

 

 

Thế Vĩnh (Công thương điện tử)